Xây Dựng Gia Đình Trong Thế Kỷ 21 - Bài 22

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui được hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Ðình hôm nay. Chúng tôi đang trình bày về những nguyên tắc Kinh Thánh dạy chúng ta cần áp dụng để hôn nhân Chúa ban cho chúng ta được hạnh phúc bền lâu. Năm nguyên tắc chúng tôi đã nói đến là: (1) Vợ chồng không ích kỷ nhưng quan tâm đến phúc lợi của nhau (2) Dứt khoát khỏi những ràng buộc của đời sống độc thân thật sự hiệp một với nhau (3) Giúp nhau tránh khỏi nguy hiểm của cám dỗ tình dục. (4) Dành thì giờ trò chuyện để hiểu nhau và tâm đầu ý hiệp với nhau. (5) Ứng xử khôn ngoan để bất đồng ý kiến sẽ khiến vợ chồng hiểu nhau và yêu nhau hơn.

Dù yêu nhau nhiều và cẩn thận trong cách cư xử với nhau, không vợ chồng nào tránh được những lúc buồn giận nhau. Khi vợ chồng có điều gì bất bình, chúng ta cần tránh những điều sau: (1) Không che giấu phiền giận trước những việc nghiêm trọng, cần biểu lộ phiền  giận. (2) Khi giận vẫn cẩn thận, tránh có những lời nói hay hành động làm tổn thương nhau. Ðây là 2 điều chúng tôi đã trình bày trước đây, hôm nay xin nói tiếp về những điều khác chúng ta cần tránh khi vợ chồng có chuyện buồn giận nhau.

3. Tránh đem những phiền giận giữa vợ chồng nói cho mọi người biết. Khi giận chúng ta thường mất khôn ngoan và dễ có những hành động tai hại, gây tổn thương cho người liên hệ, khiến mối quan hệ giữa chúng ta với người đó sứt mẻ hay gãy đổ. Một khi mối quan hệ giữa người với người bị gãy đổ sẽ rất khó hàn gắn hay chữa lành. Khó hơn là đánh chiếm cái thành kiên cố, Kinh Thánh dạy: “Một anh em bị mất lòng lấy làm khó được lòng lại hơn là chiếm thủ cái thành kiên cố” (Châm Ngôn 18:19). Vì những hành động và lời nói khi giận rất nguy hiểm nên Kinh Thánh dạy: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận, vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Ðức Chúa Trời” (Gia-cơ 1:19-20). Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên: “Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội, đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn, đừng tạo cơ hội nào cho ma quỷ” (Thư Ê-phê-sô 4:26-27, BHÐ). Vì những nguy hiểm đó, khi giận chúng ta cần nhờ Chúa kềm chế lời nói và hành động để sau đó không phải ân hận. Trong quan hệ vợ chồng chúng ta lại càng cần cẩn thận hơn nữa khi buồn giận nhau, vì những điều chúng ta nói hay làm khi đang giận sẽ để lại hậu quả sâu đậm trong lòng người bạn đời, gây tổn thương cho tình cảm giữa vợ chồng.

Khi có điều phiền giận người phối ngẫu, chúng ta cần đến với Chúa trước hết, xin Chúa an ủi, nâng đỡ chúng ta và cầu xin Chúa giúp ta nhìn thấy lỗi của chính mình. Khi giữa hai cá nhân có nan đề, ít khi nào chỉ là lỗi của một người nhưng thường là lỗi của cả hai. Chúng ta cần đến với Chúa, với Lời Chúa để biết mình đã làm gì khiến có nan đề và xin Chúa giúp ta sửa đổi chính mình trước. Và điều quan trọng hơn là, khi giận vợ hay chồng, chúng ta không nên vội vàng đem chuyện phiền giận đó nói cho người khác biết, dù người đó rất gần với ta, như cha mẹ hay anh chị em trong gia đình, cũng không nên nói ra cho bạn bè xa gần biết. Có người khi buồn giận vợ hay chồng thì thích chia xẻ, phân bua với mọi người mình gặp, để những người đó bênh vực mình hay thông cảm với mình. Ðây là điều chúng ta cần tránh, vì nó không giải quyết nan đề nhưng có thể khiến nan đề trở thành to lớn hơn.

4. Ðừng đưa mình vào chỗ khó xử, vì tuyên bố những điều mình không làm được

Như chúng ta đã thấy, vợ chồng bất đồng ý kiến hay phiền giận nhau là chuyện bình thường, vì thế chúng ta đừng phản ứng quá mạnh cũng đừng đem nói cho mọi người biết. Ðiều thứ tư chúng ta cần tránh khi giận nhau là đừng tuyên bố những điều quá đáng khiến sau đó chúng ta phải xấu hổ vì mình nói quá mạnh, tuyên bố những điều quá to lớn mà không thể làm thành. Chẳng hạn như, các ông khi giận để tạo áp lực với vợ thường nói: “Không chấp nhận như vậy thì làm đơn ly dị đi!” Hoặc vợ nói với chồng: “Anh không thay đổi thì tôi về với ba má, cho anh tự do cưới người khác!” Có vợ chồng khi giận nhau thì tuyên bố: “Từ nay trở đi tôi không cần tới bà!” Hay: “Tôi không cần đến ông nữa!” Có người mỗi khi giận vợ là nói: “Tôi sống một mình được, không cần đến cô nữa!” Hoặc vợ nói với chồng: “Em sẽ không bao giờ nhờ anh giúp một việc gì nữa!” Hoặc: “Không bao giờ cần tới đồng tiền của anh nữa!” Tất cả những câu nói đó đều đưa chúng ta vào thế kẹt, vì chắc chắn chúng ta không đủ can đảm làm hoặc không thể làm được như mình đã tuyên bố. Không những thế, lời nói đó để lại tổn thương sâu đậm, người phối ngẫu sẽ khó quên và khó tha thứ.

5. Ðừng rút vào vỏ ốc để tránh xung đột

Người ta gọi đây là phương cách của con rùa, mỗi khi vợ chồng có điều bất bình hay bất đồng ý kiến thì rụt cổ lại, trốn dưới cái vỏ như cách con rùa phản ứng khi gặp nguy hiểm. Ðây là những người khi buồn giận vợ/chồng thì im lặng không nói, không bày tỏ phản ứng, làm như mình không có mặt, không hiện hữu nữa. Nếu khi giận chúng ta im lặng, không nói trong vài giây phút để kềm giữ cơn giận, để suy xét việc đã xảy ra hoặc để suy nghĩ những lời mình sẽ nói là điều tốt. Nhưng nếu chúng ta ghim buồn giận trong lòng và tự nhủ: mình sẽ không bao giờ nói, không bao giờ phản ứng gì nữa thì không tốt và là điều ta cần tránh. Hoặc nếu chúng ta im lặng, chờ cho đến khi nào hay ngày nào người kia biết lỗi và xin lỗi, rồi chúng ta mới nói chuyện, đây cũng là điều nguy hiểm cho tình cảm vợ chồng. Sự im lặng này sẽ tạo khoảng cách giữa hai người, im lặng càng lâu khoảng cách sẽ càng lớn và vợ chồng càng khó giải hòa với nhau. Hơn thế nữa, khi vợ chồng vẫn gặp nhau mỗi ngày mà không nói, không nhìn nhau, sự phiền giận giữa hai người sẽ gia tăng, khi chúng ta im lặng không nói nhưng cứ nghĩ mình đúng, mình bị tổn thương, còn người kia sai, người kia có lỗi, v.v… nỗi phiền giận trong lòng chúng ta sẽ gia tăng và vợ chồng sẽ rất khó làm hòa với nhau. Ðể tránh tình trạng ‘chiến tranh lạnh’ vô cùng nguy hiểm này, khi có điều buồn phiền người bạn đời chúng ta không nên sử dụng vũ khí im lặng nhưng nên tìm thì giờ và cơ hội thuận tiện để nói ra điều mình không vui, không đồng ý để thông cảm và giải hòa với nhau ngay.

6. Ðừng làm lớn chuyện, đừng nói quá đáng, quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, không đáng

Nhiều người có tính hay nhớ chuyện cũ, lỗi lầm cũ của vợ/chồng và khi người đó lỡ làm điều gì mình không thích hay không vui, thì đem những lỗi lầm cũ ra nói thêm vào, làm cho lớn chuyện. Có bà vợ kia đi chợ lỡ làm mất tiền, về nói với chồng thì chồng nói: “Em cứ làm mất tiền hoài, đi đâu cũng quên cái này, lạc mất cái kia, tổn hại ngân quỹ gia đình biết bao nhiêu, em có biết không?” Một ông chồng kia vợ dặn đi làm về nhớ mua thuốc cho con nhưng ông quên mất. Khi biết chồng quên mua thuốc cho con, bà vợ nói: “Anh thật là tệ, con đau anh không lo, không chăm sóc, em chỉ nhờ một chuyện nhỏ là mua thuốc cho con mà cũng không nhớ. Nhờ chuyện gì anh cũng quên, từ hồi nào đến giờ cái quên của anh làm hỏng bao nhiêu việc mà anh vẫn không sửa đổi. Anh có thương gì vợ con đâu!” Sau khi nói như thế, người vợ khóc òa lên, khiến ông chồng thật là ân hận và khổ tâm. Ðây là những người hay làm lớn chuyện, hay nói quá đáng về những điều nhỏ nhặt không đáng. Khi vợ hay chồng làm điều lầm lỗi nhưng biết lỗi và ân hận, xin lỗi, chúng ta nên tha thứ và bỏ qua, đừng nhắc đi nhắc lại làm người đó phải khổ tâm. Chúng ta cần áp dụng lời Chúa dạy trong cách cư xử với mọi người, nhất là với người bạn đời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế” (Ê-phê-sô 4:32).

 

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành