Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 11)

Print

 

Vợ chồng quý vị có bao giờ phiền giận hay bất hòa với nhau không? Chắc hẳn là có. Nhiều khi vợ chồng đang trò chuyện vui vẻ, bỗng một người nhắc đến một chuyện gì hay đến một người nào khiến người kia nổi giận thế là vợ chồng có điều bất hòa với nhau. Mỗi khi gặp chuyện không vui như thế quý vị thường ứng xử thế nào? Im lặng nuốt giận hay lấn lướt, quát tháo ầm lên để áp đảo người mình giận, hoặc chúng ta nhượng bộ cho yên cửa yên nhà? Có khi chúng ta thỏa hiệp, mỗi bên nhường một bước để đôi bên vui vẻ, hoặc chúng ta quyết tâm tìm cách giải quyết bất hòa? Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi có nói rằng nếu mỗi khi vợ chồng có chuyện bất hòa chúng ta đều rút lui cho yên thân thì không tốt, mà nếu lúc nào chúng ta cũng lấn lướt để thắng cũng sẽ tai hại cho tình cảm vợ chồng. Như vậy nếu áp dụng phương cách thứ ba là nhượng bộ thì sao?

Nhượng bộ để giữ hòa khí trong gia đình là điều tốt, vì giúp vợ chồng tránh được những cuộc cãi vã giận dữ, gây tổn thương cho cả hai. Nhượng bộ khác với rút lui vì cả hai vợ chồng đều có cơ hội nói lên ý kiến của mình rồi sau đó một trong hai người nhường, chấp nhận ý của người kia để mọi việc được êm đẹp. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ nhượng bộ hoài, tức là việc gì cũng nhường nhau hay đồng ý ngay chứ không dành thì giờ phân tích hơn thiệt, lợi hại; lắm khi quyết định của chúng ta sẽ phương hại đến mục tiêu hay những giá trị đã đặt cho đời sống. Nếu vợ chồng quý vị có lập trường vững vàng và mục tiêu rõ ràng về những vấn đề quan trọng thì không sao, hai người sẽ không đi ra ngoài những mục tiêu đó. Ngược lại, nếu chúng ta không có lập trường mà cũng không có mục tiêu cho cuộc đời, tính hay nhượng bộ sẽ khiến chúng ta nay thích điều này mai chạy theo điều kia, cuộc đời trở thành không mục đích. Chúng ta sẽ phí phạm thì giờ, tiền bạc, sức lực mà không được gì cả.

Hai vợ chồng kia có đứa con sắp đến tuổi đi học nên phải quyết định việc học hành cho con. Người vợ muốn con học ở nhà vì sợ bạn bè và trường học có ảnh hưởng không tốt. Người chồng thì muốn con đến trường để có bạn và học cách ứng xử với người chung quanh. Vì có ý kiến khác nhau, mỗi khi nói đến chuyện học của con là vợ chồng bất đồng ý kiến và không vui. Đây là quyết định quan trọng nhưng hai người không bàn thảo mà sẵn sàng nhường nhau. Người vợ nói: Em muốn con học ở nhà nhưng anh quyết định sao thì em theo vậy. Người chồng thì nói: Em muốn sao thì cứ làm như vậy. Hai vợ chồng cứ nhường nhau nên không quyết định dứt khoát. Không ai dám thuyết phục ai vì sợ phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nếu lúc nào vợ hay chồng đưa ý kiến ra chúng ta cũng sẵn sàng nhường, tức là đồng ý mà không vui, không nhiệt tình hỗ trợ ý kiến của nhau cũng không tốt. Chúng ta sẽ trở thành người ba phải, việc gì cũng chấp nhận; phải hay quấy, khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan cũng được, chúng ta không có ý kiến mà cũng không ngăn cản hay phản đối.

Phương cách thứ tư mà một số người áp dụng khi vợ chồng có điều bất hòa là thỏa hiệp. Thỏa hiệp để được lòng cả hai bên và giữ hòa khí trong gia đình. Đây là phương cách đi đôi với nhượng bộ. Thỏa hiệp là bớt đi ý kiến của mình và chấp nhận ý của người kia. Thỏa hiệp có thể giúp vợ chồng sống trong hòa thuận, êm ấm. Mỗi người nhường một chút nên cả hai đều vui vẻ, thỏa lòng. Tuy nhiên, nếu nói về kết quả lâu dài và thật sự mang lại ích lợi thì thỏa hiệp cũng không phải là phương cách tốt nhất. Nếu khi nào vợ chồng có ý kiến khác nhau chúng ta cũng phải dung hòa hay thỏa hiệp để được lòng cả hai, chúng ta có thể không sống theo tiêu chuẩn Chúa dạy hoặc phải hy sinh mục tiêu cao đẹp mà chúng ta đã đặt ra.

Cuối cùng, phương cách hữu hiệu nhất để giải quyết bất đồng ý kiến giữa vợ chồng, hoặc giữa hai cá nhân là quyết tâm mổ xẻ vấn đề và tìm cách giải quyết. Để làm được điều này, chúng ta cần đem vấn đề ra phân tích một cách khách quan và cởi mở, với mục đích tìm một giải pháp chung hay đi đến một quyết định chung. Phương cách này có thể mất nhiều thì giờ và mỗi người phải kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của người khác, nhưng khi đạt đến một quyết định chung, chúng ta sẽ đỡ sai lầm vì đã cân nhắc vấn đề kỹ càng. Hơn nữa, vì cả hai đều có cơ hội nói lên ý của mình và ý kiến đó được cân nhắc, bàn thảo một cách đầy đủ và khách quan, không người nào thấy mình bị áp chế hay xem thường, cũng không ai trở thành độc tài độc đoán. Lòng tin cậy và thông cảm giữa vợ chồng nhờ đó được gia tăng. Khi hai vợ chồng phân tích vấn đề kỹ lưỡng và đi đến quyết định chung, chúng ta có thể phải thay đổi ý kiến của mình lúc ban đầu, nhưng thay đổi đó sẽ đem lại hữu ích và thỏa lòng cho cả hai vợ chồng. Phương cách quyết tâm tìm một điểm chung hay giải pháp chung là phương cách tốt nhất và nên áp dụng mỗi khi vợ chồng có điều bất đồng ý kiến với nhau.

 

Thông thường vợ chồng ít khi nào bàn thảo hay trò chuyện với nhau cách khách quan và cởi mở. Mỗi khi người phối ngẫu không đồng ý với chúng ta điều gì, chúng ta thường buồn hoặc nổi giận. Khi giận, chúng ta muốn nói nhiều, nói lớn để áp đảo đối phương chứ không kiên nhẫn nghe người kia trình bày ý kiến của mình. Đây là điều chúng ta cần ghi nhận và sửa đổi để có thể xây dựng một hôn nhân tốt đẹp. Nếu vợ chồng lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau trước khi đi đến quyết định, chúng ta sẽ tránh được những lời nói giận dữ, những hành động không đẹp, phương hại đến hạnh phúc gia đình. Có lẽ quý vị còn nhớ nguyên tắc Kinh Thánh dạy: Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19).

Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta lời khuyên thật thực tế và hữu ích về cách ứng xử với người chung quanh như sau: "Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em. Hãy lấy lẽ kính nhường nhau... Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau, chớ cho mình là khôn ngoan" (Rô-ma 12:10, 16). Trong thư Ê-phê-sô ông viết: "Là một tù nhân vì Chúa, tôi khuyên anh chị em hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi của Ngài. Phải hết sức khiêm nhường, nhu mì và kiên nhẫn, lấy tình yêu thương chịu đựng lẫn nhau. Hãy hết sức gìn giữ sự hiệp nhất do Thánh Linh đem lại" (Ê-phê-sô 4:1-2, Bản Dịch Mới). Theo lời dạy này, chúng ta cần lấy lòng yêu thương, mềm mại, nhịn nhục mà ứng xử với nhau. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta luôn luôn rút lui, nhượng bộ hay dung hòa để không mất lòng ai. Trái lại, chúng ta phải quân bình giữa nhân từ và chân thật, giữa yêu thương, mềm mại với sự thật hay chân lý. Tác giả sách Châm Ngôn khuyên: Sự nhân từ và chân thật chớ để lìa bỏ con; hãy đeo nó vào cổ, ghi nó nơi bia lòng con. Như vậy, trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, con sẽ được ơn và có sự khôn ngoan thật (3:3, 4). Với lòng nhân từ, ta sẽ không nói hay làm điều gì gây tổn thương cho người khác. Vì lòng chân thật, chúng ta nói lên sự thật, nhưng nói với tình yêu thương. Người nói sự thật với lòng yêu thương là người trưởng thành. Trưởng thành là điều Chúa mong muốn nơi tất cả những người tin Ngài. Trưởng thành phải là mục tiêu của cuộc đời chúng ta. Sứ đồ Phao-lô viết: "Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và đổi dời theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật" (Ê-phê-sô 4:14, 15).

Như vậy, với lòng yêu thương và chân thật, khi vợ chồng có điều bất hòa chúng ta nên ứng xử như thế nào? Trước những nguy hiểm như cám dỗ của tội lỗi,ï yếu đuối của con người hoặc những cạm bẫy của trần gian, chúng ta phải nói mạnh, nói rõ để giúp vợ hay chồng nhìn thấy vấn đề và quyết định theo lời Chúa dạy. Trong trường hợp người phối ngẫu có cái nhìn sai lạc vì tinh thần căng thẳng, chán nản hay đang đau ốm, chúng ta nên tạm rút lui hay nhượng bộ để không gây thêm tai hại; rồi sau đó tìm lúc thuận tiện, tìm một giải đáp chung cho bất đồng ý kiến giữa hai người. Có lúc cả hai cần giúp nhau tìm một giải pháp dung hòa để vấn đề được giải quyết nhanh chóng. Nếu là vấn đề nghiêm trọng, có ảnh hưởng lâu dài, vợ chồng cần để nhiều thì giờ phân tích, giải thích và cân nhắc vấn đề đến nơi đến chốn để tìm một giải pháp tốt đẹp. Là người tin Chúa, chúng ta vâng theo ý Chúa trong mọi quyết định của đời sống. Nhưng làm sao biết được ý Chúa? Ý Chúa được bày tỏ qua Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Chúa mỗi ngày, chúng ta sẽ biết ý Chúa cho đời sống và gia đình chúng ta. Nguyên tắc chung chúng ta cần áp dụng khi quyết định những điều quan trọng trong đời sống hằng ngày là: "Chớ dập tắt Thánh Linh, chớ khinh dể các lời tiên tri. Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi" - I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19-22 (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành