Kinh Lạy Cha - Bài 7

Print

Trong mấy tuần qua, chúng ta đã cùng nhau học bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy các môn đệ thường được gọi là bài Kinh Lạy Cha. Bài Kinh Lạy Cha không phải là bài kinh cho chúng ta tụng niệm nhưng đây là bài cầu nguyện mẫu, một khuôn mẫu cầu nguyện, hướng dẫn chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào. Nhiều người không tin nơi sự cầu nguyện cho đến khi lâm vào cảnh nguy khốn mới thấy cầu nguyện là cần thiết và không thể không cầu nguyện. Đối với một số tôn giáo, cầu nguyện chỉ là những lời tụng niệm, lặp đi lặp lại nhiều lần với ý nghĩ nhờ tụng niệm nhiều lần mà lời cầu xin của mình được linh ứng. Khi Chúa Giê-xu dạy các môn đệ của Ngài cầu nguyện, Chúa cho thấy cầu nguyện là một mối tâm giao, một cuộc trò chuyện giữa con với Cha. Đức Chúa Trời là Người Cha thương yêu và chúng ta là những người con của Ngài. Cầu nguyện không chỉ là cầu xin, nhưng cầu nguyện là tương giao, là tôn thờ, là cảm tạ và sống trong tinh thần tương giao, thờ phượng và cảm tạ đó.

Để có thể cầu nguyện, trước hết, chúng ta phải có mối tương giao với Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta vì cầu nguyện trước hết là trò chuyện với Người Cha trên trời. Để có được mối tương giao đó, chúng ta phải nối lại mối tương giao đã bị cắt đứt vì tội lỗi. Tội lỗi là điều đã phân chia, ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa thánh khiết. Lời cầu nguyện đầu tiên vì vậy là lời cầu nguyện xưng tội và tin nhận. Nhận mình là tội nhân và xin Chúa tha thứ qua cái chết chuộc tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lời cầu nguyện đầu tiên vì vậy cũng là lời cầu nguyện tin nhận. Tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng đã chịu chết thay cho mình để nối lại mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người đã bị cắt đứt vì tội lỗi.

Trong thế giới chúng ta đang sống, để có thể sử dụng điện thoại, điều đầu tiên là điện thoại của chúng ta phải được khởi động (activate). Cũng vậy, để có thể bắt liên lạc, nói chuyện với Đức Chúa Trời, đường giây liên lạc giữa chúng ta với Đức Chúa Trời phải được nối kết. Đường giây giữa chúng ta với Đức Chúa Trời được nối kết khi chúng ta nhận mình là tội nhân, ăn năn tội, tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng đã chịu chết vì mình. Cầu nguyện tin nhận Chúa như vậy với lòng tin chân thành, chúng ta sẽ kinh nghiệm được ơn tha tội và ơn cứu rỗi của Chúa và lúc đó chúng ta mới có thể mở miệng gọi Thiên Chúa là Cha và cầu nguyện với Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời!”

Sau khi gọi Chúa là Cha, Chúa Giê-xu bảo chúng ta hãy cầu nguyện cho Danh Cha được tôn thánh, vương quốc của Cha được đến và ý muốn của Cha được thành tựu. Đó là những lời suy tôn, chúc tụng Thiên Chúa và cam kết sống đúng theo những lời cầu xin đó. Ba điều tiếp theo Chúa bảo chúng ta cầu nguyện là nhu cầu thể xác, nhu cầu tâm linh và nhu cầu được bảo vệ. Chúng ta đã học về nhu cầu thể xác và nhu cầu tâm linh trong hai tuần qua, hôm nay chúng ta sẽ nói về nhu cầu được bảo vệ.

 

Đối với nhu cầu được bảo vệ, Chúa Giê-xu bảo chúng ta cầu nguyện:

Xin đừng để chúng con bị cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi điều ác (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:13)

Điều Chúa Giê-xu bảo chúng ta cầu xin để được bảo vệ đây là bảo vệ khỏi cám dỗ và bảo vệ khỏi điều ác. Thật ra, đây cũng là một nhu cầu tâm linh mà mỗi chúng ta đều cần. Lý do là vì nếu bị cám dỗ và sa vào tội lỗi, mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa sẽ có vấn đề vì Thiên Chúa thánh khiết không thể tương giao với tội lỗi. Cầu nguyện “xin đừng để chúng con bị cám dỗ” không có nghĩa là cám dỗ sẽ không đến với chúng ta nhưng cầu nguyện “xin đừng để chúng con bị cám dỗ” hàm ý xin Chúa bảo vệ để chúng ta không sa vào chước cám dỗ để rồi phạm tội và xa lìa Thiên Chúa. Cám dỗ đã đến, đang đến và sẽ tiếp tục đến với con người ngày nào chúng ta còn sống trên trần gian nầy. Chúa Giê-xu biết rõ điều đó nên Chúa bảo chúng ta hãy cầu nguyện “xin đừng để chúng con bị cám dỗ” nghĩa là cầu nguyện “xin đừng để cám dỗ lôi kéo con đến chỗ phạm tội và lìa xa Chúa! Con người đầu tiên là bà Ê-va đã bị cám dỗ sa vào mưu chước của ma quỷ trong vườn Ê-đen và đưa toàn thể nhân loại vào vòng tội lỗi. Chúa Giê-xu trong thân xác của con người cũng bị cám dỗ như A-đam và Ê-va nhưng Chúa đã chiến thắng cám dỗ và đã có thể cứu con người khỏi vòng tội lỗi. Ba điều ma quỷ đã cám dỗ tổ phụ loài người, cám dỗ Chúa Giê-xu và cũng đang cám dỗ chúng ta hôm nay, theo lời Kinh Thánh mô tả là dục vọng của thể xác, ham muốn của mắt và kiêu ngạo về cuộc sống.

Trong vườn Ê-đen, Kinh Thánh mô tả câu chuyện tổ phụ loài người bị cám dỗ như sau:

Khi người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì làm cho mình khôn ngoan thì hái và ăn rồi trao cho chồng đang đứng bên cạnh, chồng cũng ăn nữa (Sáng thế ký 3:6)

Ba chữ ăn ngon, đẹp mắt và quý vì làm cho mình khôn ngoan là trình tự của cám dỗ mà ma quỷ cũng đã áp dụng khi nó cám dỗ Chúa. Ma quỷ trước hết cám dỗ bảo Chúa hóa đá thành bánh khi Chúa đang bị đói. Đó là dục vọng của thể xác, tương đương với cám dỗ trái ăn ngon. Sau đó ma quỷ cho Chúa Giê-xu nhìn xem mọi nước trên thế gian và vinh hoa các nước và bảo Chúa thờ lạy ma quỷ để được những điều đó. Đó là điều tương đương với cám dỗ đẹp mắt trong vườn Ê-đen. Và cuối cùng ma quỷ bảo Chúa Giê-xu từ nóc đền thờ cao nhảy xuống để chứng tỏ tài năng. Đó chính là kiêu ngạo hay quý vì làm cho mình khôn ngoan. Ma quỷ có thể thay đổi hình thức nhưng tựu trung cũng không ngoài ba lãnh vực đó: dục vọng của thể xác, ham muốn của mắt và kiêu ngạo về cuộc sống.

Sống mỗi ngày, bao nhiêu cám dỗ đến với chúng ta: ham muốn về của cải vật chất và những ham muốn khác để thỏa mãn dục vọng. Những ham muốn đến với con người qua những gì chúng ta trông thấy. Tiếng Việt chúng ta có thành ngữ: “Mắt thấy thì lòng dấy!” Những gì mắt chúng ta trông thấy thì dục vọng trong con người sẽ dấy lên, lôi kéo chúng ta vào chỗ tội lỗi! Kỹ nghệ điện ảnh, truyền hình, sách báo và mạng lưới điện toán ngày nay là công cụ hữu hiệu của ma quỷ trong lãnh vực nầy. Đối với những người không bị cám dỗ với những ham muốn xấu xa để thỏa mãn dục vọng hay thị giác thì ma quỷ cám dỗ với lòng kiêu ngạo, muốn có danh tiếng, địa vị hay được nể phục. Danh, lợi và quyền, trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn không thay đổi và con người bị cám dỗ, bị lôi kéo vào những điều đó. Cầu nguyện, “Xin đừng để chúng con bị cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi điều ác” là cầu nguyện xin Chúa cứu chúng ta khỏi những điều đó. Chữ “điều ác” trong nguyên ngữ cũng có nghĩa là “kẻ ác” hàm ý nói đến ma quỷ là kẻ đưa những cám dỗ nầy đến với chúng ta.

Sống mỗi ngày có bao nhiêu nhu cầu nhưng nhu cầu quan trọng là nhu cầu tâm linh, nhu cầu được bảo vệ khỏi cám dỗ và điều ác. Đây là lời cầu nguyện của tôi mỗi ngày và ước mong đó cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta mỗi ngày. Nếu quý vị chưa thể cầu nguyện như vậy, xin hãy đến với Chúa Giê-xu, ăn năn tội, đặt lòng tin nơi Chúa, nối lại mối tương giao với Chúa để rồi có thể cầu nguyện, “Xin đừng để chúng con bị cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi điều ác” và sống như vậy mỗi ngày.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành