Kinh Lạy Cha - Bài 1

Print

Quý vị có cầu nguyện bao giờ chưa? Dù có đạo hay không, chắc hẳn chúng ta đã nhiều lần cầu khẩn với Đấng Thiêng Liêng mà chúng ta tin tưởng. Có nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề cầu nguyện nhưng hôm nay chúng ta hãy dựa vào lời dạy của Chúa Cứu Thế Giê-xu để tìm hiểu xem cầu nguyện là gì? Và chúng ta nên cầu nguyện như thế nào?

Một trong những lời cầu nguyện được nhiều người biết đến nhất là bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy các môn đệ, chúng ta vẫn thường gọi là bài cầu nguyện chung hay bài Kinh Lạy Cha. Bài cầu nguyện chung hay bài Kinh Lạy Cha chỉ gồm vài câu ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều chân lý quan trọng về cầu nguyện.

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng bài cầu nguyện chung hay bài Kinh Lạy Cha không phải là một lời tụng niệm để chúng ta đọc nhiều lần nhưng đây là một lời cầu nguyện mẫu để chúng ta dựa vào mà cầu nguyện. Trước khi dạy bài Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-xu nói: “Các ngươi hãy cầu như vầy.” “Như vầy” nghĩa là như thế nầy, theo thể thức nầy. Đây là lời dạy chúng ta về một khuôn mẫu cầu nguyện chứ không phải một lời tụng niệm. Cầu nguyện vì vậy không phải là cầu kinh. Cầu kinh là tụng niệm. đọc đi đọc lại một lời giống nhau. Đọc mà có khi không để tâm đến những lời mình đọc. Nhưng cầu nguyện thì khác, dựa vào lời dạy của Chúa Giê-xu trong bài cầu nguyện mẫu, chúng ta thấy cầu nguyện có những đặc điểm sau:

Trước hết, cầu nguyện là trò chuyện hay tâm giao với một người Cha. Chúa Giê-xu mở đầu bài cầu nguyện với câu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Khi các môn đệ bảo Chúa dạy cho họ cầu nguyện Chúa nói: “Khi các ngươi cầu nguyện hãy nói: “Lạy Cha!” Khi cầu nguyện hãy nói “Lạy Cha,” bởi vì cầu nguyện là thưa chuyện với người Cha Thiêng Liêng của chúng ta. Cầu nguyện là thưa chuyện với Cha, đây là một ý niệm rất đặc biệt trong đạo của Chúa. Chúng ta thường nghĩ đến Thiên Chúa hay ông Trời là một vị thần nghiêm minh, ở thật xa, vô cùng độc đoán. Ông Trời đó định điều gì thì chúng ta phải chấp nhận chứ không thể than trách vào đâu được cả. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, công minh, thánh khiết, vĩ đại, vô hạn… điều đó đúng nhưng song song với những điều nầy, Thánh Kinh cũng cho biết Thiên Chúa là Đấng nhân từ, yêu thương, bác ái và Chúa đối xử với mọi người như con của Ngài.

Không có một giáo chủ nào trên đời nầy mà con người có thể đến trực tiếp với Ngài như con đến với Cha. Chúng ta phải tôn sùng kính sợ Thiên Chúa nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể tâm giao trực tiếp với Ngài. Một trong những bức hình nổi tiếng trong thời tổng thống Kennedy là bức hình chụp ông làm việc trong Tòa Bạch Ốc trước chiếc bàn làm việc mà những đại sự trên thế giới được quyết định. Bên dưới bàn giấy to lớn đó là đứa con trai hai tuổi của ông ngồi chơi bình thản. Đối với trần gian, tổng thống Mỹ là một chức vụ to lớn, báo chí thường gọi đó là người có uy quyền nhất thế giới, không phải ai muốn vào Tòa Bạch Cung lúc nào cũng được. Nhưng đối với người con của tổng thống, bàn giấy của ông hay trong vòng tay của ông cũng vậy thôi, cậu ta có thể vào bất cứ lúc nào mà chẳng có gì ngại ngùng hay sợ hãi, vì cậu là con.

 

Bạn có biết rằng mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng giống như vậy không? Chúa là Đấng quyền uy cao cả thật nhưng chúng ta là con của Chúa, chúng ta có thể đến với Chúa bất cứ lúc nào để chuyện trò, tâm sự. Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu dạy chúng ta bắt đầu cầu nguyện bằng hai tiếng “Lạy Cha.” Điều quan trọng là chúng ta phải thật sự là con của Ngài. Thật sự là con của Ngài nghĩa là thế nào? Như đã nói, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta nên tất cả chúng ta đều là con của Chúa. Là con, lẽ ra chúng ta phải tôn thờ Chúa. Gọi Chúa là Cha, để cho Ngài hướng dẫn, nhưng vì bản tính tội lỗi, chúng ta đã xa lìa Cha của chúng ta và sống như những đứa con hoang đàng. Khi nào chúng ta ý thức tình trạng tội lỗi của mình, ăn năn tội và trở lại với Chúa, lúc đó mối tình cha con giữa chúng ta với Thiên Chúa mới được nối kết trở lại, lúc đó chúng ta mới thật là con của Chúa.

Bạn thân mến, chúng ta đang nói về vấn đề cầu nguyện nhưng một vấn đề quan trọng hơn cần được đặt ra trước khi nói đến cầu nguyện đó là vấn đề làm con của Chúa. Cầu nguyện là thưa chuyện với cha mà nếu Chúa chưa phải là Cha của chúng ta, chúng ta chưa thể cầu nguyện với Ngài được. Lời cầu nguyện đầu tiên chúng ta cần thưa với Chúa để nối lại mối tình cha con giữa chúng ta với Thiên Chúa là lời của người con hoang đàng nói với cha của mình trong câu chuyện Chúa Giê-xu đã kể. Người con ấy nói: “Thưa cha, con đã đặng tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa!” Khi chúng ta đến với Chúa với lòng ăn năn thành thật như vậy, Chúa sẽ thương xót, tha thứ chúng ta và nhận chúng ta làm con của Ngài. Được làm con của Chúa rồi ta mới có thể thật sự cầu nguyện: “Lạy cha chúng con ở trên trời!”

Đến với Chúa chúng ta cũng không cần qua một trung gian, cũng không cần một của lễ nào cả, chúng ta có thể đến trực tiếp với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong những tổ chức hay công ty lớn thường chúng ta ít có thể nói chuyện thẳng với vị chủ tịch hay giám đốc, ngoại trừ khi chúng ta có đường giây trực tiếp. Thiên Chúa là Đấng cao cả vĩ đại nhưng vì là con của Chúa, chúng ta có thể trực tiếp đến với Ngài bất cứ lúc nào, không qua trung gian hay phải trả một giá nào. Thật ra giá phải trả quá đắt, không ai trả được và Chúa Giê-xu đã trả giá đó bằng cái chết của Ngài trên thập giá. Đối với các vị thần linh người ta phải cúng kiến, dâng sinh tế, đem của lễ mới mong được vị thần linh nhậm lời. Đối với Chúa là Đấng đã chịu chết vì tội của chúng ta, đến với Ngài, chúng ta chỉ cần một tấm lòng thành. Bạn có sẵn sàng đến với Chúa như vậy không hay vẫn còn nhờ cậy nơi công đức, của cải hay một trung gian nào khác?

Trong bài cầu nguyện mẫu, sau hai tiếng “Lạy Cha” là hai chữ “chúng con” Hai chữ nầy cho chúng ta thấy đặc điểm thứ hai của sự cầu nguyện theo tiêu chuẩn của Chúa. Chúng ta thấy Chúa không dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha của con ở trên trời” nhưng Chúa dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” “Chúng con” nói về nhiều người, điều nầy cho thấy rằng khi cầu nguyện, không phải chỉ một mình chúng ta cầu nguyện nhưng có nhiều người cùng cầu nguyện với chúng ta. Cầu nguyện là tương giao chiều dọc giữa chúng ta với Thiên Chúa nhưng cũng hàm ý đến mối quan hệ chiều ngang, giữa chúng ta với những người cùng đức tin. Khi tôi cầu nguyện với Chúa, mối tương quan giữa tôi với người chung quanh cũng phải tốt đẹp thì lời cầu nguyện của tôi mới được Chúa nhậm.

Trong khung cảnh dạy bài cầu nguyện, Chúa Giê-xu cũng nói thêm: “Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta thì Cha các ngươi ở trên trời cũng tha thứ các ngươi, nhưng nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.” Tha thứ người chung quanh, sống với nhau trong tinh thần hòa hợp, vì vậy cũng là điều rất quan trọng trong sự cầu nguyện. Mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa có tốt đẹp hay không phải được thể hiện trong mối tương quan giữa chúng ta với người chung quanh. Thánh Kinh đã dạy thật rõ về điều nầy: “Kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được. Ai nói rằng, Ta yêu Đức Chúa Trời mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối.” “Mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa phải đi song song với mối tương giao của chúng ta với người chung quanh. Có người đã nói, “Yêu Chúa thì dễ, yêu người mới khó!” Thật đúng như vậy, nếu chúng ta có thể chịu đựng, yêu thương, tha thứ những người vẫn thường làm cho chúng ta buồn khổ, điều đó mới chứng tỏ lòng thương yêu thật. Chúng ta có thể đọc hàng ngàn bài kinh, hoặc miệng lúc nào cũng kêu Chúa nhưng nếu thiếu đi lòng nhân, không sẵn sàng yêu thương tha thứ những người gần gũi với mình nhất thì người khác có quyền nghi ngờ về mối tương quan chân thật giữa chúng ta với Thiên Chúa. Hãy nhớ khi cầu nguyện là chúng ta cầu nguyện với Cha của chúng ta ở trên trời và Ngài là người cha chung của nhân loại. Chúa là Cha hàm ý tất cả chúng ta là anh em với nhau và vì vậy chúng ta phải yêu thương, tha thứ như những người con cùng đến cầu nguyện với người Cha ở trên trời.

Đến đây có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện và gọi Chúa là Cha của chúng con ở trên trời?” “Ở trên trời” hàm ý gì? Đây cũng là đặc điểm thứ ba của vấn đề cầu nguyện theo lời Chúa dạy. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện với “Cha của chúng ta ở trên trời.” “Trời”nói đến nơi thiêng liêng, cao cả. “Cha của chúng con ở trên trời” nhắm nhấn mạnh Chúa là Đấng quyền uy, quản trị muôn vật mọi loài. Chúa có quyền và có khả năng, có sức mạnh ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin.

Lời mở đầu bài cầu nguyện mẫu cho chúng ta thấy đối tượng của sự cầu nguyện. Cầu nguyện là chúng ta thưa chuyện với người cha thân yêu. Người cha thân yêu đó cũng là Đấng Toàn Năng, có quyền và có sức mạnh ban cho chúng ta lời chúng ta cầu xin. Cầu nguyện là điều tốt, đáng làm nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện đúng người, đúng chỗ. Nếu chúng ta cầu khẩn với người không có quyền, không có khả năng thì dù kêu cầu lâu dài đến đâu cũng chẳng được gì. Cầu nguyện với Đấng ở trên trời cho thấy Chúa chúng ta là Đấng quyền năng. Chúa là đối tượng của lời cầu nguyện chúng ta. Chúa yêu thương nhưng cũng là Đấng quyền năng, với hai bản tính ấy, Ngài có thể đáp lời cầu nguyện của chúng ta.

Bạn có cầu nguyện bao giờ chưa? Bạn cầu nguyện với ai và cầu nguyện như thế nào? Có người cho rằng cầu nguyện là mê tín dị đoan, là hèn yếu ủy mị. Cũng có người cho rằng cầu nguyện chẳng qua là một tác động tâm lý nhằm trấn an lương tâm nhờ đó ta có thể bình tĩnh mà giải quyết vấn đề chứ chẳng có thánh thần nào cả! Dĩ nhiên mỗi người có quyền tự do suy nghĩ theo ý của mình, nhưng hôm nay chúng ta hãy nhìn vào cầu nguyện dưới một khía cạnh khác. Hãy tạm gọi đó là khía cạnh truyền thông đi. Truyền thông là nói đến quan hệ giữa hai đối tượng như tôi đang nói và Bạn đang nghe giờ nầy qua phương tiện của đài phát thanh. Cũng giống như vậy, cầu nguyện là truyền thông giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa phán với chúng ta qua thiên nhiên, qua hoàn cảnh, qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh và chúng ta thưa chuyện với Ngài bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện ấy không cần phải văn hoa chải chuốt nhưng chỉ là những lời chân thành từ đáy lòng như con thưa chuyện với cha, một người Cha Nhân Từ, đầy tình thương và một người Cha Toàn Năng, đầy quyền uy. Là người, chúng ta là con của Thiên Chúa, nhưng mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa có lẽ đã bị cắt đứt từ lâu. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nối lại mối quan hệ ấy bằng một lời cầu nguyện. Hãy thưa với Chúa: “Lạy Cha là Đấng đã tạo dựng con. Hôm nay con xin quay trở về với Cha, xin Cha tha tội và nhận con làm con của Cha trở lại. Xin dìu dắt con để con không còn sống một đời vô nghĩa nữa nhưng có ý nghĩa và lợi ích cho mọi người. Xin tiếp nhận con hôm nay.” Dù đang lái xe hay ngồi ở nhà, dù trong sở làm hay đang ở ngoài đường, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và sẵn sàng nghe lời cầu nguyện của Bạn.

Bạn biết Chúa Giê-xu về trời làm gì không? Thánh kinh cho biết Chúa về trời ngự bên hữu ngai Đức Chúa Trời và cầu nguyện thế cho chúng ta. Cầu nguyện thế cho chúng ta nghĩa là gì? Có phải Chúa cầu nguyện để chúng ta không phải cầu nguyện nữa không? Chắc chắn là không? Cầu nguyện thế nghĩa là đại diện cho chúng ta trước ngai Thiên Chúa. Cầu nguyện thế nghĩa là chỉ một mình Chúa Giê-xu mới có thể cầu thay cho chúng ta. Chúa Giê-xu sẽ trở lại làm vua trên thế giới nầy và nghênh đón chúng ta về sống với Chúa mãi mãi. Nhưng đó là việc tương lai. Việc hiện tại chính yếu mà Chúa Giê-xu đang làm là gì? Là cầu nguyện cho chúng ta. Nếu việc chính của Chúa Giê-xu giờ nầy là cầu nguyện cho chúng ta thì chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không đến cầu nguyện với Ngài? Muốn nói chuyện với chúng tôi, Bạn chỉ cần nhấc điện thoại và gọi đúng số. Muốn thưa chuyện với Chúa Bạn chỉ cần nói với Ngài bằng những gì thành thật nhất từ đáy lòng của mình. Bạn muốn làm điều đó giờ nầy không? Bạn sẽ thấy rằng Chúa thực hữu và thật gần gũi với mình.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành