Chuyện Lứa Đôi - Bài 10

Print

Trong những tuần gần đây, chúng tôi có chia xẻ với các bạn trẻ về những điều các bạn cần để ý và cần tránh khi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Trước hết, khi muốn đi chung đường đời với một người, chúng ta cần biết rõ về người đó. Chúng ta không những cần biết người bạn đời tương lai của mình là ai, có đời sống như thế nào nhưng chúng ta cũng cần biết tính tình, thói quen, cách sống và cách người đó cư xử với người trong gia đình. Và quan trọng hơn cả, chúng ta cần biết rõ đời sống tình cảm cảu người đó. Chẳng hạn người đó đã có người yêu chưa, có đang yêu ai không và có thật sự yêu thương mình hay không. Công nương Diana đã bước vào một cuộc hôn nhân không tình yêu. Cô cũng không biết gì về quá khứ đời sống tình cảm của chồng, vì thế đã bị phản bội ngay từ buổi đầu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chia xẻ về những điều các bạn trẻ sắp lập gia đình cần tránh. Chẳng hạn như tránh bước vào hôn nhân cách quá vội vàng, khi mới biết nhau một thời gian ngắn. Cũng không nên lấy vợ lấy chồng để làm vừa lòng một người nào, hay để được hưởng một lợi lộc nào đó. Và quan trọng hơn cả, đừng lập gia đình với người quá cách biệt với mình. Chẳng hạn như quá cách biệt về tuổi tác, về học vấn, địa vị trong xã hội, khác biệt sở thích, niềm tin, và mục tiêu trong đời sống.

Để tránh những khó khăn trong đời sống vợ chồng, các bạn nên tránh lập gia đình với người quá cách biệt với mình. Tuần trước chúng tôi đã nói về những khó khăn khi vợ chồng quá cách biệt nhau về tuổi tác, nên hôm nay xin nói về những phương diện khác.

Cách biệt về học vấn

Sự cách biệt về học vấn hay kiến thức cũng có thể khiến quan hệ vợ chồng có nhiều điều bất lợi. Nếu chồng học cao hơn vợ chút đỉnh, khó khăn trong đời sống thường không đáng kể vì vị trí của người đàn bà trong gia đình là ở dưới sự hướng dẫn và bảo vệ của chồng. Thật ra, chồng học cao hơn vợ và có địa vị trong xã hội cao hơn vợ là điều tốt. Yếu tố này khiến người vợ dễ phục tùng chồng hơn.

Tuy nhiên, nếu chồng là người học thức cao còn vợ là người ít học, sự chia xẻ và thông cảm giữa hai vợ chồng cũng khó đạt đến chỗ đầy trọn. Vì muốn hôn nhân hạnh phúc, hai người không những là vợ chồng nhưng cũng phải là bạn của nhau, có thể trao đổi với nhau về nhiều vấn đề. Trong những gia đình mà chồng học cao, biết nhiều, thích nghiên cứu điều này điều kia, còn vợ chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, chỉ chú ý đến tiền bạc, áo quần chứ không thích đọc sách, học hỏi, không để ý những vấn đề thuộc phạm vi của chồng, giữa vợ chồng thường dễ có sự ngăn cách.

 

Có một ông chồng kia cưới một người vợ thật đẹp. Trong khi ông là giáo sư đại học thì cô vợ chỉ mới học hết tiểu học. Những năm đầu, tình yêu còn mới mẻ, hai vợ chồng còn có nhiều điều chia xẻ với nhau nhưng sau đó, vì nhu cầu công việc, người chồng phải dành nhiều thì giờ đọc sách, nghiên cứu, dần dần hai vợ chồng không có điều gì chung để chia xẻ với nhau. Kiến thức của người chồng ngày càng gia tăng trong khi người vợ chỉ để ý đến những chuyện tầm thường như áo quần, kiểu tóc, nữ trang, mỹ phẩm, v.v... Dù muốn, người chồng cũng không thể chia xẻ với vợ những hiểu biết của mình vì vợ không thể nào hiểu được. Dần dần hai người chỉ là vợ chồng chứ không còn là bạn của nhau nữa.

Một điều khác bạn cũng cần để ý đó là trường hợp vợ học cao hơn chồng. Nếu người vợ tế nhị, khiêm nhường, không quá hãnh diện về học vấn của mình, và vẫn giữ vai trò người vợ trong gia đình theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh, gia đình sẽ vẫn hạnh phúc. Trái lại, nếu người vợ lúc nào cũng ra vẻ là mình hiểu biết hơn, trí thức hơn, sẽ dễ khiến người chồng tự ái, mặc cảm và vì thế quan hệ vợ chồng dễ bị căng thẳng hoặc tổn thương, nhất là khi đối diện với những vấn đề liên quan đến kiến thức của hai người.

Quá cách biệt về sở thích

Nếu bạn và người yêu có những sở thích quá cách biệt nhau, sự cách biệt đó cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chẳng hạn người vợ thích một cuộc sống an nhàn, vui với gia đình, bên cạnh chồng con, trong khi đó người chồng không muốn ở nhà với vợ con nhưng thích phiêu lưu, nay đi nơi này mai thử chuyện khác. Những sở thích khác nhau như thế sẽ lôi kéo mỗi người đi một hướng. Có khi người này thích bạn bè, tiệc tùng đám đông trong khi người kia chỉ thích ở một mình, thích nơi yên tịnh vắng vẻ. Nếu không thay đổi và không chiều nhau, hai ý thích khác biệt đó sẽ khiến vợ chồng phiền giận nhau và dần dần cách xa nhau. Nếu một người thích trẻ con và muốn có đông con còn người kia không thích trẻ con nên không muốn có con hoặc không thích có nhiều con. Hai ý thích này cũng dễ đưa đến xung đột giữa vợ chồng.

Khác biệt về mục tiêu hay lý tưởng trong đời sống

Dù ý thức hay không ý thức, mỗi chúng ta đều có một mục tiêu cho đời sống của mình. Có người muốn tận lực làm việc để trở nên giàu có, để hơn bạn bè, để người chung quanh thán phục. Có người thì không ham tiền bạc nhưng muốn thu thập kiến thức trên đời, muốn học thật cao. Người khác thì muốn làm chính trị, mỗi người muốn đạt đến đỉnh danh vọng trong một môi trường nào đó. Ngược laị cũng có người thích sống đơn giản, không ganh đua với ai, không chú ý đến tiền bạc vật chất nhưng muốn đặt một mục tiêu cao đẹp, muốn sống cho người tha nhân, muốn dâng cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa, v.v... Các bạn cần biết rõ mục tiêu hay lý tưởng sống của người bạn đời tương lai. Vì nếu vợ chồng có những mục tiêu khác biệt nhau, sẽ rất khó đi chung đường và khó có thể giúp nhau xây dựng một mái ấm gia đình. Vì lý do đó, bạn và người yêu cần nói cho nhau biết ước mơ hay mục tiêu mà mình mong ước thực hiện trong cuộc đời, để hai người không ngỡ ngàng khi thấy mình có những mục tiêu quá khác nhau và không ân hận vì người bạn đời đã làm hỏng mục tiêu của mình.

Nếu hai người yêu nhau một thời gian mới biết mình có những điều quá khác biệt nhau, trước khi quyết định lấy nhau, các bạn nên suy nghĩ lại, xem những khác biệt đó sẽ ảnh hưởng gì đến hạnh phúc gia đình và bạn cần làm gì để giảm bớt những cách biệt đó.

Đừng xem thường ý kiến của phụ huynh hoặc người lãnh đạo tinh thần

Một điều khác nữa các bạn cần để ý khi quyết định lập gia đình là nếu cha mẹ các bạn hoặc các vị lãnh đạo tinh thần không tán thành cuộc hôn nhân của bạn, bạn nên dừng lại cân nhắc vấn đề, suy nghĩ về ý kiến của cha mẹ và những người liên hệ. Đừng vì mù quáng hoặc nông nổi mà bỏ ngoài tai lời khuyên của người lớn, xem thường ý kiến của cha mẹ để làm theo ý mình.

Người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm nên có cái nhìn và những hiểu biết mà người trẻ tuổi không có. Nghe lời khuyên dạy của người lớn sẽ đem đến cho các bạn nhiều lợi ích. Hơn nữa, trừ những trường hợp ngoại lệ, thường thường cha mẹ và người lớn góp ý kiến và lời khuyên là vì yêu thương chúng ta, không muốn chúng ta phải khổ vì quyết định sai lầm. Cách ngôn tây phương có câu: đời sống quá ngắn, chúng ta không có đủ ngày tháng để làm tất cả lầm lỗi vì thế chúng ta cần học kinh nghiệm và nghe lời khuyên của những người đi trước. Lời Chúa cũng dạy: "Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con."

Tóm lại, khi quyết định lập gia đình, các bạn cần cẩn thận cân nhắc và nếu được, tránh những điều sau:

1. Đừng quyết định tiến tới hôn nhân cách vội vàng
2. Đừng lập gia đình khi còn quá trẻ
3. Đừng lập gia đình để chạy trốn khó khăn hay che lấp khuyết điểm của mình
4. Đừng quyết định lập gia đình để làm vui lòng người khác
5. Đừng quyết định lấy nhau khi chưa biết rõ nhau
6. Đừng quyết định lập gia đình khi chưa thể tự lập về kinh tế
7. Đừng lập gia đình với người quá khác biệt với mình
8. Đừng xem thường ý kiến của phụ huynh hoặc người chung quanh
9. Đừng thúc đẩy một người thay đổi niềm tin với mục đích để mình có thể kết hôn với người đó.

Ước mong rằng các bạn đã nhìn thấy nguy hại của những người lập gia đình cách vội vàng, thiếu cân nhắc cẩn thận và không chờ đợi sự dẫn dắt của Chúa, và sẽ không đi vào những "vết xe đổ" đó. Trước mọi quyết định của đời sống, chúng ta cần thực hành nguyên tắc sau đây của Thánh Kinh:

Hãy hết lòng tin cậy Chúa hằng hữu, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con (Châm Ngôn 3:5-6)

(còn tiếp)