Đóa Hồng Giáng Sinh

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Tuyết bắt đầu rơi thì Chị Hồng cũng vừa bước đến cửa hàng bán hoa của mình. Chị lấy chìa khóa mở cửa, bước vào tiệm, mở đèn lên, sắp đặt mọi việc để chuẩn bị cho một ngày bận rộn. Chị cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Tối nay là lễ Giáng Sinh và chị biết sẽ có nhiều người đến đặt hàng, mua hoa. Chị Hồng không hiểu tại sao người ta cứ đợi đến giờ chót mới đi mua sắm, cũng không hiểu tại sao chị đã quá mệt mỏi mà cũng mở cửa hàng hôm nay. Chị không cần kiếm thêm tiền vì suốt năm buôn bán cũng khá rồi. Nhưng hình như ra bán hàng, và đứng chăm sóc những cành hoa giúp chị thấy êm ả trong lòng và cũng lấp đầy những ngày vô nghĩa trong cuộc sống. Chị Hồng đang suy nghĩ như thế thì chiếc radio nhỏ trên bàn phát ra câu hát: “Giáng Sinh này con sẽ về…” (I’ll be home for Christmas). Mấy chữ “trở về,” làm chị Hồng nghĩ đến căn nhà đang ở. Nhà chị trang hoàng rất đẹp, có thể nói đó là căn nhà đẹp nhất trong xóm, nhưng nhà đẹp để làm gì khi vợ chồng chị không có con. Đời sống chị khá thoải mái: hai vợ chồng có tiền trong nhà băng, có bạn bè nhiều nên không cô đơn. Vì bận rộn với công việc, vợ chồng chị cũng chẳng có thì giờ để nghĩ xem mình có hạnh phúc hay không. Mỗi tháng anh chị phải trả nợ nhà, nợ xe, và nợ của chiếc tàu mới mua. Chị Hồng thở dài, dù nghĩ đến nét mặt chồng sung sướng khi được chiếc áo vét đắt tiền chị đã mua làm quà Giáng Sinh cho anh năm nay, chị cũng chẳng thấy vui chút nào. Còn quà anh mua cho chị thì có lẽ là một cái gì đó thật đẹp, thật đắt tiền, nhưng chị cũng chẳng buồn nghĩ đến. Chị cũng chẳng nhớ năm ngoái chồng tặng mình cái gì và cũng chẳng nhớ lần chót hai vợ chồng thật sự tâm tình, trò chuyện với nhau là lúc nào, nói như thế có nghĩa là lâu lắm rồi vợ chồng chị chẳng có thì giờ trò chuyện với nhau. Như những đêm Giáng Sinh trước, tối nay vợ chồng chị cũng sẽ đi chơi, đi dự tiệc ở một nơi sang trọng… Đời sống đầy đủ vật chất nhưng thật là nhàm chán.

Chị Hồng đang suy nghĩ miên man những điều đó thì cái chuông nhỏ trên cửa báo hiệu có khách vào. Đang chán nản, chị không buồn quay ra xem người khách đó là ai. Người khách lên tiếng chào, giọng khàn khàn, có vẻ đã lớn tuổi: “Chào cô!” Chị Hồng quay lại thì thấy đó là một ông cụ tóc bạc trắng, vẻ mặt hiền lành. Ông ôm chiếc mũ vào ngực như cúi chào chị và nói: “Cô ơi, tôi muốn mua một ít hoa cho vợ tôi.” Chị Hồng nhìn vẻ mặt tươi sáng của ông cụ khi nói hai tiếng “vợ tôi” và thầm nghĩ: khi nhắc đến mình anh ấy có bao giờ trân quý như thế không nhỉ. Chị đáp lời ông cụ: “Vâng, để cháu tìm cho cụ một ít hoa đặc biệt.” Cũng với giọng khàn khàn, ông cụ nói: “Cảm ơn cô,… nhưng không phải hoa nào cũng được, tôi cần bông hồng Giáng Sinh thôi!” Chị Hồng đáp: “Trong tiệm cháu có nhiều bông hồng lắm, thưa cụ. Bông màu đỏ, màu hồng, màu vàng, đủ màu hết!” Ngắt lời chị, ông cụ nói: “Cảm ơn Cô, nhưng tôi không cần hoa hồng nhiều màu, tôi chỉ muốn hoa hồng Giáng Sinh, là loại hồng trắng như tuyết đó, và xin cô bó chung với một ít cộng đuôi chồn rồi cột thêm cái nơ đỏ vào.” Thấy ông cụ có vẻ ‘đòi hỏi’ hơi nhiều, chị Hồng nói: “Cụ ơi, tối nay là Giáng Sinh rồi, cháu sợ không tìm ra hoa hồng trắng như cụ muốn đâu.” Cụ già không để ý lời chị Hồng, tiếp tục nói: “Vợ tôi yêu bông hồng màu trắng lắm. Bông hồng trắng nhắc bà nhớ đến Chúa Hài Đồng trong lễ Giáng Sinh, nhắc đến đức thánh khiết của Chúa. Đã lâu lắm rồi nhà tôi không được nhìn thấy bông hồng trắng. Và bây giờ…” Chị Hồng nhìn ông cụ, thấy ông cúi đầu xuống rồi ngẩng mặt lên như vừa thấy một điều gì tươi đẹp. Ông cụ nói tiếp: “Bây giờ nhà tôi đang bệnh nặng. Chúng tôi phục vụ trong một bệnh xá ở châu Phi suốt hơn ba mươi năm nhưng rồi nhà tôi bị bệnh Alzheimer’s nên phải trở về nước. Bây giờ chúng tôi sống trong viện dưỡng lão.” Nghe vậy chị Hồng nói: “Ồ vậy sao, tội nghiệp quá!” Người đàn ông nói tiếp, không một chút cay đắng hay buồn phiền: “Chúng tôi sống với nhau trong một cái phòng nhỏ gần bên chỗ mấy cô y tá làm việc. Mỗi ngày chúng tôi ăn cơm chung với nhau và nhắc lại những kỷ niệm đẹp của hai vợ chồng. Thiên Chúa hậu đãi chúng tôi nhiều lắm.” Chị Hồng không hiểu tại sao ông cụ này có thể nói những lời tốt đẹp trước một hoàn cảnh đau buồn như thế, nhưng chị phải nhận là ông cụ nói với lòng rất thành thật.

Hoa hồng trắng cho đêm Giáng Sinh? Chị có thể tìm cho ông cụ ở một tiệm khác nhưng phải vất vả lắm. Ông cụ nói thêm: “Chúng tôi sẽ mừng Giáng Sinh với nhau trong căn phòng nhỏ, chỉ có hai vợ chồng chúng tôi thôi – Hoa hồng màu trắng cho vợ tôi là món quà thích hợp nhất.” Chị Hồng liền nói: “Có thể cháu sẽ gọi một tiệm hoa ở xa và bảo họ gởi đến đây.” Nói xong chị thấy mình hứa “hơi bạo,” vì chỉ có phép lạ mới tìm được hoa hồng trắng tối nay và còn chi phí nữa, dĩ nhiên là không rẻ. Chị hỏi ông cụ: “Cụ định mua khoảng bao nhiêu tiền?’ Người đàn ông đặt chiếc mũ lên quầy tính tiền, lấy trong túi ra một cái ví đã bạc màu, rồi rút ra bốn tờ giấy bạc năm đô-la, nói với giọng hy vọng: “Tôi mong là chỉ tốn chừng này thôi.” Nhìn mấy tờ giấy bạc, chị Hồng nói: “Cháu có thể làm cho cụ một bó hồng đỏ, cắm trong một chiếc lọ đẹp, được không?” Và chị thầm nghĩ: Một bó hồng trắng ít nhất cũng phải ba mươi lăm đồng, tiền gởi cũng phải hai mươi đồng nữa, nhất là nếu muốn kịp cho lễ tối nay, mà chưa chắc đã tìm được hoa hồng trắng. Nghe chị Hồng nói có thể làm cho ông một bình hoa hồng đỏ, ông cụ có vẻ thất vọng, nói: “Tôi cứ mong là sẽ tìm được một ít hồng trắng đặc biệt cho vợ tôi.” Thấy vẻ thất vọng trên nét mặt cụ, chị Hồng nói: “Thôi được, cụ để cháu lo, cháu sẽ cố gắng tìm hoa hồng trắng cho cụ.” Chị Hồng cũng ngạc nhiên không biết sao chị dám hứa như vậy. Quá mừng, ông cụ vói tay qua quầy hàng, nắm lấy tay chị Hồng, nói: “Cảm ơn cô, xin Chúa ban phước cho cô! Cô có thể cho người mang đến khoảng bốn, năm giờ chiều được không? Nhà tôi sẽ ngạc nhiên lắm. Thật tôi không biết nói sao để cảm ơn cô cho hết.” Người đàn ông vui mừng cầm chiếc mũ, đội lên đầu vừa đi ra phía cửa vừa nói vói lại, giọng thật vui vẻ: “Cô nhớ nhé, tên là Arnold Herriman, phòng số bảy, chúc mừng Giáng Sinh cô, xin Chúa ban phước cho cô!” Chị Hồng thầm nghĩ: Một người già yếu, có vợ đang đau nặng, sống trong nghèo nàn, điều gì đã giúp ông cụ vui như vậy? Sau khi bán hàng cho một vài người khách khác, chị Hồng gọi đến tiệm bán hoa sỉ ở một thành phố khác. Họ bằng lòng để cho chị một chục hoa hồng trắng với giá bốn mươi hai đô-la, 50 xu, nhưng phải đến 4 giờ chiều họ mới đem đến cho chị được. Chị Hồng mừng, cảm ơn người bạn hàng, nhưng hơi lo vì biết rằng chắc chính chị phải đi giao hoa cho ông cụ chứ không thể nhờ ai khác, nhưng chắc cũng không sao, chồng chị vì bận gặp mấy người khách hàng chắc cũng sẽ về trễ. Hoa hồng trắng chị Hồng đặt mua được người ta đưa đến đúng bốn giờ kém mười. Chị vội vàng cắm hoa vào một bình lớn bằng bạc, thêm vào ít lá xanh và những cành hoa nhỏ li ti màu trắng rồi thắt một dây nơ đỏ và vội vàng lên đường để đem hoa đến cho ông cụ đặt mua sáng nay.

Khi đến đúng khu vực mà ông cụ đã chỉ, chị Hồng thấy nơi ông bà cụ ở chẳng xứng tí nào với cái tên xinh đẹp người ta đặt cho nó, và chị thầm nghĩ: “Hai con người đã hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc những người bệnh hoạn ở Phi châu xa xôi đáng được ưu đãi hơn thế này, trong tuổi xế chiều của cuộc đời mình.” Chị đi thêm vào và tìm được căn phòng số bảy. Thấy chị đến, ông cụ vui mừng ra đón, vẫn trong bộ quần áo cũ, với chiếc cá vạt đỏ như sáng nay. Bước vào phòng, chị thấy bàn ghế giường tủ thật là đơn sơ, trên tường treo đầy những hình ảnh cũ và bằng cấp, chứng chỉ. Đặc biệt trên bàn có một tấm bảng nhỏ với hàng chữ: “Chúa Hài Đồng và tấm lòng trong trắng của Ngài,” đúng như câu ông cụ nói với chị sáng nay. Bà vợ ông gầy ốm, đắp mền và ngồi trên chiếc ghế bành. Da mặt bà cụ trong sáng, đôi gò má đỏ hồng nhưng đôi mắt xanh thì ngơ ngác. Ai đó đã buộc lên mái tóc bạc trắng của bà cụ một cái nơ màu đỏ. Đôi mắt bà cụ mở to khi nhìn thấy bó hoa, nhưng chỉ trong khoảnh khắc bỗng ngập tràn nước mắt. Ông cụ đến, ôm đôi vai gầy yếu của vợ, và nói: “Mình ơi, bông hồng Giáng Sinh, đặc biệt cho mình đó!” Bà cụ đưa tay ra nhận bó hoa, nói: “Ồ đẹp quá, đẹp quá!” Nét mặt sáng hẳn lên, bà cụ sung sướng áp gò má nhăn nheo vào mấy cánh hồng. Bỗng bà quay nhìn chị Hồng và hỏi: “Chào cô, tôi có quen cô không nhỉ?” Ông cụ liền nói: “Đây là người bán ở tiệm hoa, cô làm bó hoa này cho mình đó!” Bà cụ hỏi chị: “Cô ở nán lại với chúng tôi một chút được không? Chúng tôi chăm sóc hết các bệnh nhân trong ngày hôm nay, rồi chúng tôi sẽ mời cô về nhà uống trà.” Chị Hồng đáp: “Dạ thưa, cảm ơn cụ nhưng cháu phải về.” Ông cụ đến ôm vai vợ và nói: “Mình ơi, bệnh nhân về hết lâu rồi, mình đang ở nhà đây, tối nay là lễ Giáng Sinh.” Nghe những lời ông cụ nói, chị Hồng cảm động, nghẹn ngào muốn khóc. Chị cảm thấy tại đây, trong căn phòng nhỏ bé nghèo nàn này có một điều gì đó thật đẹp, thật cao thượng mà chị không có một phần nào trong đó. Phải chăng điều cao đẹp đó là, vì suốt đời sống cho người khác, ông bà cụ không có gì cả, ngoài hai vợ chồng và bó hồng Giáng Sinh, nhưng ông bà cụ có tất cả những gì quý nhất trên đời. Bà cụ rút một cành hồng trắng trong bó hoa xinh đẹp, đưa cho chị Hồng và nói: “Xin tặng cô một bông hồng, cô nhận đi, tôi có nhiều quá.” Ông cụ liền lấy cành hoa nơi tay vợ, đưa cho chị và nói: “Vâng xin cô nhận giùm, cảm ơn cô đã vất vả để kiếm cho chúng tôi bó hoa đặc biệt hôm nay. Cầu xin Thiên Chúa ban phước cho cô.” Chị Hồng thật cảm động, chị muốn nói với ông bà cụ rằng Chúa đã ban phước cho chị thật nhiều đêm nay. Trước hết, đem hoa Giáng Sinh đến cho ông bà cụ đã khiến lòng chị tràn ngập niềm vui, một niềm vui mà lâu lắm rồi chị không có. Ơn phước thứ hai Chúa ban cho chị là, trong đêm Giáng Sinh này chị học được ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh, là điều chị chưa bao giờ biết.

The Christmas Rose
By Lieutenant Colonel Marlene Chase

Minh Nguyên chuyển ngữ