Dạy Con - Bài 4

Print

Trong Câu Chuyện Gia Ðình hôm nay, chúng tôi xin trình bày tiếp về việc áp dụng kỷ luật trong việc dạy con. Như chúng ta đã biết, cha mẹ cần quân bình giữa tình thương và kỷ luật trong việc dạy con. Nếu chỉ yêu thương chiều chuộng mà không đặt luật lệ cho con vâng theo, con sẽ hư hỏng. Ngược lại, nếu chỉ áp dụng luật lệ nghiêm khắc mà không biểu lộ tình thương, con sẽ mặc cảm và thiếu tự tin. Khi áp dụng kỷ luật, có ba điều chúng ta cần nhớ, đó là:

(1) Áp dụng kỷ luật chừng mực và hợp lý để không trở thành hành hạ, ngược đãi con

(2) Áp dụng kỷ luật để uốn nắn con chớ không phải để bẻ gãy ý chí và tinh thần của con

(3) Chúng ta cần phân biệt giữa những vụng về khờ dại và tính ương ngạnh, phản loạn của con

Trong bài trước chúng tôi đã nói hai nguyên tắc đầu nên hôm nay xin trình bày nguyên tắc thứ ba.

3. Phân biệt giữa sự vụng về dại dột với tính ương ngạnh, phản loạn

Trẻ con thường có những vụng về khờ dại, khiến làm hỏng việc hay làm hư hại đồ vật trong nhà. Chúng ta cần thông cảm với những vụng về khờ dại và chấp nhận lầm lỡ của con, rồi kiên nhẫn chỉ dạy và cho con thời gian tập luyện và sửa đổi. Khi con làm điều sai quấy, cha mẹ cần xét xem đó là con khờ dại, vụng về hay là con cố tình cãi lời cha mẹ. Nếu con phạm lỗi vì dại dột, vụng về, cha mẹ nên chỉ dẫn, dạy bảo chứ không nên sửa phạt. Tiến sĩ James Dobson nói về vấn đề này như sau:

Cha mẹ không nên đánh đòn con về những tội mà con không cố ý phạm. Ví dụ như, vì ham chơi các em quên làm những việc cha mẹ nhờ hoặc vì vụng về, thiếu kinh nghiệm, các em làm hỏng việc. Thật ra, nhờ tính hay quên và vô tư dại dột mà trẻ con đỡ được bệnh lo lắng và bệnh tinh thần căng thẳng, là những bệnh của người lớn. Trong trường hợp này, chúng ta cần kiên nhẫn, dạy dỗ cách nhẹ nhàng để nhắc nhở con. Nếu cha mẹ đã chỉ dạy kỹ càng mà các em còn làm sai làm hỏng nữa, lúc đó chúng ta sẽ có biện pháp cứng rắn hơn, nhưng nên giải thích và nói trước cho con biết. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng, những vụng về sai sót của trẻ con khác với tính bướng bỉnh, cố tình không vâng lời cha mẹ, vì thế cha mẹ cần thông cảm và kiên nhẫn chỉ bảo cách nhẹ nhàng

Biết bao nhiêu em nhỏ vì vụng về hay dại khờ làm hỏng việc hay hư đồ đạc mà bị cha mẹ đánh đòn. Chẳng hạn như khi rót nước vì vụng về làm đổ, khi rửa chén vì lóng cóng làm bể chén bát, khi mang giày không đúng vì chưa biết phân biệt chân phải chân trái, hoặc khi dùng những dụng cụ máy móc trong nhà vì không khéo nên bị sai hỏng, v.v… Ðây là những lỗi lầm vì khờ dại, vụng về, cha mẹ không nên đánh đòn con vì những lỗi lầm đó. Trái lại, khi cha mẹ đã cảnh cáo, giải thích, dặn dò những điều không được làm mà các em vẫn làm, đó là lúc cha mẹ cần nghiêm trị sửa dạy để các em nhớ mà không vượt qua giới hạn của mình nữa.

Uốn nắn tâm tính của con và hướng dẫn con nên người là công tác chính trong trách nhiệm làm cha mẹ, và nếu muốn đạt được kết quả, chúng ta cần áp dụng ba nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc 1: Bắt đầu uốn nắn khi con còn nhỏ

Châm ngôn 13:24 dạy như sau:

Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình, song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó

Chữ “lo” trong câu này trong nguyên ngữ có nghĩa là “bình minh” hay “sáng sớm,” sau đó có nghĩa là đeo đuổi một điều gì sớm trong cuộc đời, khi còn trẻ, và cuối cùng có nghĩa là với lòng quyết tâm và lòng siêng năng. Câu “ắt cần lo sửa trị con” vì vậy có nghĩa là chúng ta cần bắt đầu việc dạy con sớm, bắt đầu từ khi con còn nhỏ, và quyết tâm dạy cách siêng năng để mang lại kết quả. Cha mẹ nào chờ cho đến khi con lớn và hiểu biết mới bắt đầu uốn nắn, dạy bảo sẽ gặp nhiều khó khăn, cha mẹ nào dạy con càng trễ càng khó thành công. Châm Ngôn 19:18 cũng dạy một ý tương tự:

Hãy sửa phạt con ngươi trong lúc còn sự trông cậy

Nghĩa là hãy sửa dạy con trong khi còn hy vọng. Khi còn hy vọng là khi các em còn nhỏ, tấm lòng còn mềm mại, còn có thể uốn nắn được.

Nguyên tắc 2: Sửa phạt cách quân bình

Bất cứ công việc gì chúng ta cũng cần phải giữ quân bình, trong việc dạy con cũng vậy. Kinh Thánh nhắc đến hai loại kỷ luật mà cha mẹ cần áp dụng, hai loại kỷ luật này bổ túc cho nhau và chúng ta cần sử dụng cả hai. Ðó là kỷ luật bằng lời nói và bằng roi vọt.

Châm ngôn 22:15 dạy về kỷ luật bằng roi vọt như sau:

Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ, song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó

Nói đến roi là nói đến việc làm cho thân thể đau đớn. Chúng ta dùng roi sửa phạt con trẻ với mục đích cho các em thấy là làm điều quấy thì bị đau đớn. Tiến sĩ Dobson nêu ví dụ như sau:

Khi một đứa bé lỡ đụng vào lò và bị phỏng, nỗi đau của vết phỏng sẽ giúp đứa bé nhớ và nhờ đó sẽ cẩn thận để không đụng vào lò nữa. Nỗi đau của vết phỏng không khiến đứa bé trở nên hung dữ nhưng dạy cho nó một bài học đích đáng. Tương tự như vậy, khi đứa bé ngồi trên ghế cao bị ngã, bị kẹt ngón taytrong cửa hay bị chó cắn, nó sẽ kinh nghiệm về những nguy hiểm chung quanh mình. Những kinh nghiệm đó là phương cách rất tốt để dạy cho trẻ em biết sợ và tránh những gì làm cho mình đau đớn. Những đau đớn đó không tiêu diệt lòng tự tin của các em, cũng không khiến các em trở nên hung dữ nhưng giúp các em làm quen với những thực tế trong đời sống. Khi cha mẹ vì yêu thương con, dùng roi sửa dạy cũng không khiến con thành người hung dữ nhưng giúp con nhìn thấy cái thực tế của đời sống. Nếu mỗi khi cãi lời cha mẹ thì bị đòn, cái đau bị đòn sẽ giúp các em nhớ. Các em sẽ không cãi lời cha mẹ nữa để không bị đau, tức là không bị đòn nữa. Chính nhờ đó mà các em không làm điều quấy và cũng tránh được những tính xấu như ích kỷ, gian dối, cứng đầu hay tranh giành với người khác

Tuy nhiên, khi sửa dạy con cha mẹ cần sửa dạy cách hợp lý, chừng mực và đúng cách, không để lại thương tích trên người con để không bị cáo là ngược đãi con.

Loại kỷ luật thứ hai Kinh Thánh nói đến là lời nói

Nhiều khi cha mẹ chỉ cần dùng lời nói để sửa dạy con. Châm ngôn 3:11-12 dạy:

Hỡi con, chớ khinh điều sửa phạt của Chúa Hằng Hữu, chớ hiềm lòng khi Ngài quở trách; vì Chúa Hằng Hữu yêu thương ai thì trách phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình

“Lời quở trách” ở đây không phải là những lời mắng mỏ để làm hạ phẩm giá của con hay khiến tinh thần và ý chí con sụp đổ, nhưng là lời răn dạy phát xuất từ tình thương. Kinh Thánh cho biết, “Chúa Hằng Hữu yêu thương ai thì trách phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình.” Khi cha mẹ dùng lời dịu dàng và với lòng thương yêu sửa dạy, con cái sẽ chú ý nghe, sẵn sàng tiếp nhận và vâng theo những lời dạy bảo đó. Có nhiều cha mẹ dùng lời nói sửa dạy khi con phạm lỗi, nhưng là những lời đay nghiến, mắng chửi. Nhiều người dùng lời nói không phải để chỉ bảo, hướng dẫn mà là để trút cơn giận lên con và làm hạ phẩm giá của con. Họ tưởng càng la mắng nặng lời chừng nào thì con sẽ sợ, sẽ nhớ chừng nấy và sẽ không phạm lại những lỗi lầm đó nữa. Mắng chửi con cái là điều chúng ta cần tránh, vì những lời đó không giúp con khôn ngoan hơn, kính yêu và vâng lời cha mẹ hơn, nhưng sẽ khiến con buồn giận, nản lòng, lắm khi trở thành ương ngạnh và phản loạn hơn. Cha mẹ cần dùng cả lời nói và roi vọt để sửa dạy con, tùy từng trường hợp và tùy từng đứa con. Những đứa mềm mại dễ dạy, chúng ta chỉ cần dùng lời nói cảnh cáo, khuyên bảo; những đứa cứng đầu, bướng bỉnh hơn thì phải dùng đến roi. Nhưng dù là dùng roi sửa dạy, chúng ta cũng nên dùng lời nói giải thích, cảnh cáo hoặc khích lệ con. Kinh Thánh dạy rằng, lời quở trách và roi vọt đều cần thiết trong việc dạy con, chúng ta cần sử dụng cả hai. Lời dạy đó như sau:

Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan, còn con trẻ phóng túng làm xấu hổ cho mẹ mình (Châm Ngôn 29:15)

Lời quở trách và roi vọt sử dụng đúng lúc, đúng cách sẽ giúp con cái khôn ngoan, tránh được những dại khờ của trẻ con. Ngược lại, nếu cha mẹ không dành thì giờ khuyên dạy, chỉ bảo, cũng không dùng roi sửa dạy khi con làm điều sai quấy, con cái sẽ trở nên dại dột, vô kỷ luật, và là nỗi hổ nhục cho cha mẹ (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành