Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 - Bài 20

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Kính chào quý thính giả, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đón nghe Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong Câu Chuyện Gia Ðình kỳ này, chúng tôi xin tiếp tục trình bày những nguyên tắc Kinh Thánh dạy mà chúng ta cần áp dụng để hôn nhân Chúa ban cho chúng ta được hạnh phúc bền lâu. Ðiều chúng ta đã thấy và cũng đã kinh nghiệm trong hôn nhân là, dù yêu nhau nhiều bao nhiêu, không vợ chồng nào tránh được những lúc buồn giận hoặc bất đồng ý kiến với nhau. Vì vậy điều quan trọng không nhất thiết là làm thế nào để vợ chồng tránh bất đồng ý kiến và bất hòa nhưng là làm thế nào để bất hòa và bất đồng ý kiến không khiến vợ chồng căm giận nhau, muốn chia tay nhau nhưng trái lại, qua những điều không vui đó vợ chồng sẽ hiểu nhau và yêu nhau hơn. Vị Mục sư, tác giả quyển Mười Giới Răn Cho Hôn Nhân đề nghị rằng, để không gây tổn thương trong mối quan hệ giữa vợ chồng, khi hai người có chuyện điều bất hòa với nhau, chúng ta cần tránh những điều sau đây:

1. Tránh đè nén hay che giấu buồn giận trước những sự việc nghiêm trọng, cần biểu lộ phiền giận
2. Tránh phản ứng quá mạnh, tránh những hành động hay lời nói làm tổn thương nhau

3. Tránh đem chuyện riêng tư của vợ chồng nói ra cho mọi người biết

4. Ðừng tự dồn mình vào chân tường (tuyên bố hay nói những điều mình không làm được)

5. Ðừng tự rút mình vào vỏ ốc, im lặng không nói để tránh xung đột

6. Ðừng làm lớn chuyện hay nói quá đáng, quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, không đáng

7. Ðừng dùng tình yêu chăn gối làm “vũ khí” để điều khiển vợ hay chồng

1. Không đè nén hay che giấu  buồn giận trước những sai sót nghiêm trọng, cần biểu lộ sự phiền giận

 

Vì vợ chồng là những con người bất toàn, yếu đuối, nên khi sống chung với nhau ngày này sang ngày khác sẽ không thể nào tránh được những lúc làm buồn lòng nhau hoặc có những điều gây tổn thương cho nhau. Khi những điều không vui đó xảy ra, chúng ta không nên che giấu sự bực bội, phiền giận trong lòng và làm bộ bình thản như không có chuyện gì xảy ra hoặc trong lòng rất buồn giận nhưng nhưng giả vờ, làm như sự việc xảy ra không ảnh hưởng gì đến mình. Khi một người đè nén hay che giấu sự buồn giận như thế, người kia sẽ không biết lỗi lầm và sai sót của mình để ăn năn, sửa đổi. Trong khi đó, người buồn giận mà không bày tỏ ra sẽ càng buồn giận hơn, khiến nan đề trở thành to lớn và cũng dễ đi đến chỗ bị trầm cảm hoặc bị những chứng bệnh nguy hiểm khác. Giận là một cảm xúc tự nhiên và cần thiết Ðức Chúa Trời ban cho con người. Khi thi hành chức vụ trên trần gian Chúa Giê-xu cũng có lúc bày tỏ sự buồn giận. Kinh Thánh ghi lại nhiều lần Chúa Giê-xu nổi giận. Ví dụ như khi người Giu-đa cứng lòng, rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Sa-bát hay không. Phúc Âm Mác ghi: “Ðức Chúa Giê-xu vào nhà hội, ở đó có một người nam teo bàn tay. Chúng rình xem thử Ngài có chữa người đó trong ngày Sa-bát chăng, đặng cáo Ngài. Ngài phán cùng người teo tay rằng: Hãy dậy, đứng chính giữa đây. Rồi Ngài hỏi họ rằng: Trong ngày sa-bát nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người? Nhưng họ đều nín lặng. Bấy giờ Ngài lấy mắt liếc họ,vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi…” (Mác 3:1-5). Một lần khác Chúa Giê-xu giận là khi môn đồ ngăn cản người ta đem các em nhỏ đến với Ngài. Kinh Thánh ghi: “Người ta đem những con trẻ đến cùng Ngài đặng Ngài rờ chúng nó, nhưng môn đồ trách những kẻ đem đến. Ðức Chúa Giê-xu thấy vậy bèn giận mà phán cùng môn đồ rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó, vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Mác 10:13-14). Có người nói rằng, người nào không biết giận, điều không thích cũng chấp nhận, điều mình không đồng ý cũng không bày tỏ thái độ hay phản ứng gì, những người đó sẽ không làm nên chuyện. Từ xưa đến nay biết bao nhiêu anh hùng, vì giận quân ngoại xâm đã đứng lên cứu đất nước, những người bất bình trước những tệ trạng, những điều bất công trong xã hội, đã đứng lên thành lập những cơ quan từ thiện, những hội đoàn hữu ích để cứu người vô tội hay bài trừ những tệ trạng trong xã hội.

Lời Chúa trong Kinh Thánh không cấm chúng ta giận nhưng dạy rằng, chúng ta không nên nhạy giận, không giận lâu và quan trọng hơn hết là khi giận chúng ta cần phản ứng khôn ngoan để không bị ma quỷ lợi dụng, khiến chúng ta nói hay làm những điều gây tổn thương cho anh em mình. Sứ đồ Gia-cơ viết: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19) Và Phao-lô viết: “Ví bằng anh em đang cơn giận thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn và đừng cho ma quỷ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:26-27). Khi có chuyện buồn phiền cần giải quyết, vợ chồng cần thành thật nói lên sự bất bình hay phiền giận của mình, nhưng phải nói đúng chỗ, đúng lúc và đúng cách. Sau đó cùng đem vấn đề ra bàn thảo với nhau để tìm một giải pháp tốt đẹp. Nếu buồn giận mà che giấu, nan đề sẽ không được giải quyết mà còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn và đưa đến tổn hại lớn lao.

2. Ðừng phản ứng quá mạnh khiến có những hành động hay lời nói gây tổn thương cho nhau

Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “No mất ngon, giận mất khôn.” Câu này hàm ý rằng khi giận chúng ta dễ có những hành động và lời nói thiếu khôn ngoan, làm đau lòng người khác, khiến mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh bị sứt mẻ, tổn thương, không hàn gắn lại được. Nhất là trong quan hệ vợ chồng, nếu khi giận chúng ta tuôn ra những lời thóa mạ nặng nề, khiến người phối ngẫu bị tổn thương, những tổn thương đó sẽ để lại vết hằn sâu đậm, rất khó xóa nhòa. Như đã thưa, Lời Chúa không cấm chúng ta giận, nhưng dạy hai điều liên quan đến giận dữ, đó là thứ nhất, chúng ta phải chậm giận, tức là đừng nhạy giận, đừng quá dễ giận, gặp chuyện gì cũng giận và thứ hai, khi giận đừng để cho ma quỷ lợi dụng. Nói cách khác là, khi có chuyện đáng giận chúng ta có thể giận nhưng phải kềm chế cơn giận, đừng phản ứng quá mạnh, tránh nói hay làm điều gì cho hả cơn giận. Ðây là điều vô cùng tai hại cho tình cảm vợ chồng. Có người khi giận vợ hay chồng thì tuôn ra những lời than van trách móc cay đắng hoặc có những lời mắng chửi thật là nặng nề, đến nỗi khi giải hòa với nhau, phải xin lỗi, phải mang niềm ân hận lâu dài. Người bị mắng mỏ, chê trách, dù bao lâu sau khi nhớ lại vẫn còn bị tổn thương. Ðể tránh có những phản ứng quá đáng khi buồn giận, chúng ta cần nhờ Chúa Thánh Linh làm chủ cảm xúc của mình. Người có Chúa Thánh Linh làm Chủ, là người có những mỹ đức: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ. Trong đời sống hằng ngày, nhất là trong mối quan hệ vợ chồng, chúng ta không thể thiếu những mỹ đức này. Xin Chúa cũng giúp chúng ta ghi nhớ và thực hành lời Kinh Thánh dạy như sau: Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em nên trừ bỏ hết … sự thịnh nộ, buồn giận và hung ác... Anh em là kẻ chọn lựa của Ðức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy lòng nhân từ, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau, như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:7-13) (còn tiếp)

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành