Khi Con Đến Tuối Tự Lập - Bài 2

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Một thiếu nữ nọ lập gia đình được ba năm, tâm sự với người bạn như sau: Khi em đi lấy chồng, mẹ em buồn lắm. Bà dặn em là, dù vui với hạnh phúc mới, con đừng bao giờ quên mẹ ở nhà rất cô đơn, lúc nào cũng nghĩ đến con. Vì lời dặn đó, người con gái lúc nào cũng nghĩ đến mẹ, sợ mẹ thương nhớ rồi bị bệnh, vì thế nàng tìm cách giữ liên lạc với mẹ thường xuyên. Mỗi ngày, sau bữa cơm tối với chồng, người con gái gọi điện thoại nói chuyện với mẹ và hai người em khoảng vài tiếng đồng hồ, kể cho mẹ nghe những việc xảy ra trong ngày và hỏi thăm từng người trong gia đình. Ngày nào cũng vậy, cơm tối xong là người con gái bỏ ra một hai tiếng đồng hồ nói điện thoại với gia đình. Người chồng trẻ lúc đầu thông cảm nên kiên nhẫn chấp nhận. Nhưng việc này cứ xảy ra thường xuyên.

Buổi tối nào có việc đi đâu thì thôi, còn nếu ở nhà, cô vợ trẻ lại gọi điện thoại nói chuyện với mẹ và các em, không dành một thì giờ nào trò chuyện với chồng. Khi người chồng than phiền thì gia đình vợ bảo là anh ích kỷ và bỏ ngoài tai lời than phiền đó. Người vợ vẫn tiếp tục gọi điện thoại cho cha mẹ thường xuyên sau bữa cơm tối. Người chồng trẻ biết không thể thay đổi vợ nên khi thấy vợ cầm điện thoại lên là anh ra khỏi nhà để chạy bộ trong khu xóm. Sau một thời gian, thấy mình chạy giỏi nên anh tham dự các cuộc chạy đua cuối tuần, do thành phố tổ chức. Một ngày nọ, trong một lần chạy đua anh gặp một thiếu nữ xinh đẹp cũng thích chạy như anh và hai người cùng chạy với nhau thường xuyên. Trong khi đó vợ anh vẫn tiếp tục nói chuyện với cha mẹ mỗi buổi tối, không quan tâm đến sự bất bình của chồng. Sau ba năm chờ đợi, sự việc vẫn không thay đổi nên cuối cùng người chồng trả vợ lại cho bà mẹ và cưới người cùng chạy đua với anh lâu nay. Câu chuyện này mới nghe thấy như là chuyện không có thật, nhưng là chuyện có thật, do chính người trong cuộc kể lại. Người con gái trong câu chuyện này chưa sẵn sàng để lập gia đình, vì chưa thể lìa cha mẹ để kết hợp với người bạn đời. Cha mẹ cô cũng chưa sẵn sàng cho con lìa cha mẹ để có cuộc sống riêng nên đã khiến gia đình con bị đổ vỡ.

 

Kính thưa quý thính giả, cha mẹ nào khi nuôi con cũng mong con mau lớn. Khi cho con đi học, ta mong con học giỏi, mỗi năm mỗi lên lớp. Rồi chúng ta hãnh diện khi con đỗ đạt thành tài và có một chỗ đứng trong xã hội. Tuy nhiên, khi con phải từ giã gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng, chúng ta cảm thấy buồn vì thấy như mình đã mất đi một cái gì quý giá. Cha mẹ nào cũng thương con và muốn được ở gần bên con mãi mãi, nhưng chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống con người lại khác. Chúa muốn con cái ở dưới sự bảo bọc của cha mẹ khi còn nhỏ, nhưng lúc khôn lớn phải lìa cha mẹ để gây dựng đời sống riêng.

 

Việc con cái lìa cha mẹ để tự lập là điều cha mẹ đã biết trước và cũng mong muốn nữa, nhưng khi ngày ấy đến, chúng ta vẫn cảm thấy đau buồn và mất mát. Đây là một tình cảm bình thường, dễ hiểu, vì sự phân ly nào cũng để lại đau buồn. Nhưng có một số phụ huynh quá đau buồn khi con lìa gia đình đến nỗi gây khó khăn cho con và mang lại thiệt hại cho chính mình. Có người nhất quyết ngăn cấm con tách ra khỏi gia đình, dù con đã trưởng thành và đã có gia đình riêng. Sở dĩ có tình trạng đó là có những lý do sau:

  1. Cha mẹ xây dựng đời sống mình chung với đời sống con, xem cuộc đời con như là tiếp nối của cuộc đời mình.
  2. Cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con vì tình yêu giữa vợ chồng không mấy tốt đẹp.
  3. Cha mẹ yêu thương con cách ích kỷ và muốn tiếp tục nắm giữ đời sống con.
  4. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con là nhỏ và như là sở hữu của mình.
  5. Cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều hoặc muốn con tùy thuộc mình mãi mãi.

Trong bài kỳ trước chúng tôi đã trình bày lý do thứ nhất, đó là: Cha mẹ xây dựng đời sống mình trên đời sống con và xem cuộc đời của con là tiếp nối của đời sống mình.

Nhiều người cố gắng nuôi con ăn học để con đạt được những ước mơ mà chính mình đã không đạt được. Họ dùng cuộc đời con để sửa lại những lầm lỗi hay thất bại trong cuộc đời của mình, lấy thành công của con làm niềm vui và hạnh phúc. Do đó khi con tách ra khỏi ra gia đình, họ thấy như một phần đời sống của mình đã chết.

Lý do II. Cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con cái trong khi đó quan hệ vợ chồng lại không mấy tốt đẹp.

Lý do thứ hai khiến một số quý vị phụ huynh khó chấp nhận việc con tách rời khỏi cha mẹ để có đời sống riêng là vì cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con. Đây là điều thường xảy ra trong những gia đình thiếu hạnh phúc. Trong những gia đình này, cha mẹ, nhất là người mẹ, có khuynh hướng dồn hết tình thương cho con, vì thế tình cha con hay mẹ con trở nên đậm đà, gần gũi hơn tình vợ chồng. Nếu người cha hay người mẹ thương con nhiều hơn là thương vợ thương chồng vàø tìm hạnh phúc nơi con cái thay vì tìm hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, khi con đến tuổi trưởng thành, cha mẹ sẽ không muốn con lìa xa gia đình. Vì nếu con đi, hạnh phúc và niềm vui của cha mẹ cũng mất. Có những gia đình vợ chồng không thuận hòa và không muốn sống chung với nhau nữa nhưng vì con nên phải tiếp tục chung sống. Trong trường hợp này, đứa con là yếu tố ràng buộc cha mẹ, giữ cho cha mẹ không bỏ nhau, là cái đệm hoặc cái gạch nối giữa cha mẹ, vì thế khi con đến tuổi từ giã gia đình, cha mẹ khó chấp nhận điều đó. Thiếu sự hiện diện của con, cha mẹ không thể đối diện nhau, cũng không còn lý do để sống chung với nhau nữa.

Xem tình cha con hay tình mẹ con quan trọng hơn tình vợ chồng là điều không đúng với Lời Chúa dạy. Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Khi nhắc lại câu này, Chúa Giê-xu cũng nói: "Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!" (Ma-thi-ơ 19:6). Kinh Thánh dạy rất nhiều về các mối liên hệ trong đời sống con người, nhưng chỉ có liên hệ vợ chồng được mô tả là "hiệp làm một" (Ê-phê-sô 5:31) và "ràng buộc suốt đời" (I Cô-rinh-tô 7:39).

Những lời dạy trên cho thấy Chúa muốn quan hệ vợ chồng là quan hệ sâu đậm và gần gũi nhất. Nếu chúng ta để cho bất cứ người nào, dù là con cái, chen vào giữa tình yêu giữa vợ chồng thì đời sống gia đình sẽ gặp khó khăn. Chương trình của Chúa là, con cái chúng ta lớn lên sẽ hiệp làm một với vợ hoặc chồng của chúng. Vì thế, cha mẹ cần chuẩn bị khi con còn sống trong gia đình, đừng xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời của con, cũng không nên yêu thương và gắn bó với con nhiều hơn là yêu thương và gắn bó với vợ, chồng của mình. Tình phụ tử và tình mẫu tử cao đẹp và lớn lao nhưng không giống như tình vợ chồng mà cũng không thể thay thế tình yêu vợ chồng.

Đối với những người góa bụa hoặc hôn nhân đổ vỡ, phải hy sinh cả đời nuôi con, lúc con từ giã gia đình để tự lập thường là lúc đau buồn hơn hết. Hoàn cảnh những phụ huynh này thật là đáng thương. Vì thiếu tình yêu vợ chồng, các bậc cha mẹ này dồn hết tình thương cho con. Con cái là lẽ sống và niềm vui, cũng là đối tượng tình yêu của cha mẹ. Trong trường hợp này, người cha hay người mẹ đó phải thương con với tình thương không vị kỷ, phải hy sinh, nghĩ đến phúc lợi của con mới đủ can đảm cho con tự lập. Con cái trong những gia đình này cũng cần phải thông cảm với hoàn cảnh của cha hoặc mẹ, và tìm một giải pháp dung hòa để không vô tình gây thêm đau buồn cho cha mẹ.

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời không định rằng con cái là yếu tố chính mang lại hạnh phúc cho hôn nhân. Con cái cũng không phải là mối dây ràng buộc vợ chồng với nhau. Theo lời Thánh Kinh dạy, vợ chồng phải ràng buộc với nhau bằng tình yêu. Yếu tố đem lại hạnh phúc cho hôn nhân là, vợ chồng yêu thương nhau bằng tình yêu chân thật và bền vững như tình yêu Chúa dành cho chúng ta và cả hai vợ chồng đều kính sợ Chúa mà vâng phục nhau. Nói một cách khác, yếu tố ràng buộc vợ chồng phải là tình yêu đôi bên dành cho nhau chứ không phải là con cái hay bổn phận đối với con cái.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành