Khi Con Đến Tuối Tự Lập - Bài 3

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Có một đôi bạn trẻ nọ yêu nhau bốn năm mới dám nghĩ đến chuyện cưới hỏi. Lý do là vì người con trai đang sống chung với mẹ và bà mẹ rất là gần với con. Dù con đã sắp được ba mươi tuổi, đã ra đời đi làm mấy năm nay, bà mẹ vẫn xem con như đứa con nhỏ và vẫn kiểm soát mọi việc trong cuộc sống con. Bà không những biết con làm công việc gì, mà cũng biết công việc đó như thế nào, mỗi tháng con lãnh được bao nhiêu. Không những thế, mỗi khi đi đâu chàng thanh niên này vẫn phải xin phép mẹ, phải cho mẹ biết là đi đâu, với ai, mấy giờ về. Không những kiểm soát thì giờ mà tiền bạc của cậu con trai bà mẹ cũng kiểm soát hết. Con đi làm về phải đưa tờ giấy lương cho bà. Dù không biết làm sổ sách hay trả các chi phí hằng tháng nhưng bà biết tất cả những chi phí của gia đình và chi phí riêng của con. Bà biết con có bao nhiêu tiền, cất giữ ở trương mục nào, nhà băng nào. Bà mẹ này quen chăm sóc mọi việc cho con khi còn nhỏ nên dù bây giờ con đã lớn, đã có thể tự lo, bà vẫn tiếp tục nắm giữ và kiểm soát tất cả. Lúc nào bà cũng xem con như là thằng bé con của bà ngày trước. Khi biết con có bạn gái, bà buồn lắm, vì bà không muốn một người nào xen vào giữa bà và đứa con trai yêu quý. Nhưng bà biết con đã lớn, cần phải có gia đình, hơn nữa bà cũng mong có cháu bồng nên dần dần bà chấp nhận người bạn gái của con. Người con gái đó hiền lành dễ thương nên sau một thời gian cũng đã lấy được cảm tình của bà.

Tuy nhiên nan đề của đôi bạn trẻ này là lúc nào bà mẹ cũng muốn tham dự vào những sinh hoạt của hai người. Khi người con gái đến nhà chơi, bà mẹ ra tiếp chuyện. Khi hai người đi ăn với nhau phải mời bà, nếu không thì bà không vui. Cuối cùng, khi hai người quyết định tiến tới hôn nhân và chọn ngày làm đám cưới, bà mẹ rất vui nhưng bà muốn để bà tính toan lo lắng mọi chi tiết, dĩ nhiên là theo ý bà. Nhưng khó khăn lớn nhất mà đôi bạn trẻ phải đương đầu hiện nay là, bà mẹ muốn cùng đi trong chuyến tàu du hành mà hai người đã chọn cho tuần trăng mật của họ.

Thưa quý thính giả, đây là một trường hợp điển hình của những bậc phụ huynh không cho con lìa cha mẹ để có cuộc sống riêng. Trường hợp này hơi đặc biệt nhưng trong một số gia đình, các bậc cha mẹ cũng thường tìm cách nắm giữ con, không muốn con tách rời cha mẹ để tự lập. Có người cho con tự lập nhưng cứ hay xen vào những vấn đề riêng tư của gia đình con. Như chúng tôi chia xẻ trong một Câu Chuyện Gia Đình gần đây, có nhiều lý do khiến cha mẹ không muốn con tách rời cha mẹ để tự lập. Chẳng hạn như :

  1. Vì cha mẹ xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời con, xem con như là tiếp nối của đời sống mình.
  2. Cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con vì hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc.
  3. Cha mẹ yêu thương con cách ích kỷ và muốn tiếp tục kiểm soát đời sống con.
  4. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con còn nhỏ và nghĩ rằng con thuộc quyền sở hữu của mình.
  5. Cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều và muốn con tùy thuộc mình mãi mãi.

Có những đôi vợ chồng khi chưa có con cái thì chăm sóc nhau rất là chu đáo, nhưng khi có con rồi, dành hết thì giờ cho con và quên đi người phối ngẫu. Những bà mẹ trẻ khi có đứa con đầu lòng thường hay vấp phải điều này. Trong một số gia đình, con cái là đối tượng của tình yêu và là mối quan tâm chính của hai vợ chồng. Điều này thường xảy ra trong những gia đình mà vợ chồng có những nan đề to lớn, không giải quyết được. Trong trường hợp này, người chồng thường tìm vui thỏa nơi công việc hay bạn bè, còn người vợ dồn hết thì giờ và tình thương cho con, vì con là niềm vui của mình. Xem con quan trọng và gần gũi hơn người phối ngẫu là điều rất nguy hiểm. Nó dễ khiến vợ chồng không gắn bó với nhau và khi con lớn, khó chấp nhận việc con xa lìa cha mẹ để tự lập. Đức Chúa Trời không định rằng quan hệ cha mẹ và con cái là quan hệ mật thiết nhất và cha mẹ phải dành hết thì giờ, tâm trí để lo cho con. Theo Lời Chúa dạy, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ quan trọng nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống con người, thứ đến mới là quan hệ giữa cha mẹ và con cái, rồi đến quan hệ với những người khác. Vợ chồng cần xây dựng cho tình yêu của mình cho bền chặt rồi cả hai cùng lo cho con cái. Nếu vợ chồng quý nhau, cần nhau và gắn bó với nhau thì khi con cái từ giã gia đình để tự lập, chúng ta cũng buồn nhưng chỉ buồn ít và sẵn sàng chấp nhận, thông cảm với con chứ không buồn đến nỗi gây khó khăn cho con. Có một điều lạ là, nếu cha mẹ không cầm giữ nhưng cho con ra đi cách vui vẻ, thoải mái, các con sẽ trở về thăm thường xuyên, có khi còn muốn ở gần bên cha mẹ nữa. Ngược lại, nếu cha mẹ ngăn cản, buồn giận và gây khó khăn cho con, các con sẽ muốn lìa gia đình sớm, tìm cách đi xa và không dám sống gần bên cha mẹ.

 

Quý vị đang xây dựng hạnh phúc trên tình yêu vợ chồng hay tình yêu dành cho con cái? Thật tội nghiệp cho những đứa con cha mẹ dùng để giữ cho gia đình khỏi tan vỡ. Khi biết điều đó, con cái hoặc sẽ lo lắng, không dám lìa cha mẹ để gây dựng cuộc sống riêng hoặc sẽ tìm cách thoát ly gia đình trước khi đến tuổi trưởng thành.

Lý do III: Cha mẹ thương con bằng tình thương ích kỷ và muốn cầm quyền trên đời sống con

Có những cha mẹ khi con muốn đi học xa hoặc dọn ra riêng thì buồn giận và buộc con phải thay đổi dự tính đó. Những bậc phụ huynh này thương con và lo lắng cho con rất nhiều. Khi con còn nhỏ thì lo miếng cơm manh áo, lo việc học hành. Khi con lớn vẫn tiếp tục lo cho con mọi sự, từ chuyện nhỏ như miếng ăn, quần áo đến chuyện lớn như chọn ngành nghề và chọn vợ chọn chồng cho con. Những phụ huynh này thương con nhiều nhưng thương với tình yêu ích kỷ. Thật ra họ thương chính mình hơn là thương con, họ sung sướng khi thấy con còn cần cha mẹ, tùy thuộc cha mẹ và chỉ vui khi con vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Nếu con có ý gì khác với ý của cha mẹ hay không làm đúng theo sự suy tính của cha mẹ thì cha mẹ sẽ buồn giận ngay, cho con làbất hiếu, không thương, không biết nghĩ đến công ơn cha mẹ.

Một đặc điểm khác của những cha mẹ thương con cách ích kỷ là muốn nắm quyền trên con. Họ lo lắng cho con mọi thứ vì muốn kiểmsoát đời sống con hoàn toàn. Con cái chỉ được làm điều gì cha mẹ cho phép, học ngành nào cha mẹ đồng ý và lập gia đình với người cha mẹ chọn lựa. Có người xem việc hôn nhân của con như là của chính mình, mình đồng ý thì mới được. Những phụ huynh thích cầm quyền kiểm soát con cái thường không muốn con lìa cha mẹ như Lời Chúa dạy. Họ không nói thẳng ra như thế nhưng thường viện nhiều lý do để ngăn cản. Chẳng hạn như khi con muốn đi học xa hay đi làm xa, cha mẹ sẽ bảo rằng con đi như thế lỡ đau ốm không ai lo. Nếu con muốn ra riêng thì bảo là tốn kém lắm, không sống nổi, hoặc nói rằng người chung quanh sẽ gièm pha. Có người thì dùng hoàn cảnh đơn chiếc hay tình trạng sức khoẻ yếu kém của mình để ngăn cản con bước ra tự lập. Thật ra, có những bậc cha mẹ sống trong hoàn cảnh thật đáng thương mà con cái phải biết nghĩ lại, biết hy sinh và lo cho cha mẹ trước rỗi hẵng nghĩ đến hạnh phúc của mình, Nhưng cũng có những trường hợp cha mẹ còn đầy đủ, khoẻ mạnh, nhưng muốn tất cả con trai, con gái, dâu rể đều quây quần dưới một mái nhà và cha mẹ là chủ đại gia đình. Những đại gia đình sống như thế thấy rất vui vẻ nhưng thường không tránh được nan đề giữa người này với người kia. Những đôi vợ chồng trẻ sống chung với đại gia đình được có người lo việc cơm nước hoặc chăm sóc con cái để rảnh rang đi làm, đi học, nhưng đồng thời phải chịu những gò bó và thiếu sự riêng tư cho gia đình nhỏ bé của mình. Và điều bất lợi là, những người con trai đã có vợ mà sống chung với cha mẹ sẽ không thật sự làm chủ gia đình của mình như Lời Chúa dạy; những người con gái có chồng mà mẹ vẫn lo cơm nước cho mỗi ngày sẽ không trở nên người nội trợ giỏi, không biết quán xuyến việc nhà, không biết nuôi dạy con cái. Những người con được cha mẹ bảo bọc như thế dễ có tính ỷ lại vào người khác và dù lớn tuổi vẫn chưa trưởng thành.

Thánh Kinh dạy: "Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:4). Câu này hàm ý rằng chúng ta đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của mình nhưng cũng nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của người khác. Áp dụng vào việc cho con cái tự lập, chúng ta có thể nói: cha mẹ không nên chỉ nghĩ đến nỗi cô đơn hay thẩm quyền của mình nhưng cũng hãy nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của con nữa. Là cha mẹ, chúng ta ai cũng thương con và sẵn sàng hy sinh cho con. Nhưng chúng ta cần cẩn thận, đừng thương con quá đến độ xây dựng niềm vui và hạnh phúc của mình trên đời sống con hoặc thương con cách ích kỷ, muốn con ở dưới quyền của cha mẹ và cần đến cha mẹ mãi. Nếu cha mẹ thương con như thế, con sẽ trở nên hèn yếu, không trưởng thành, không thể tự lập. Con cũng có thể bất bình, chống lại cha mẹ hoặc tránh xa cha mẹ. Khi cha mẹ ràng buộc với con quá nhiều con sẽ cảm thấy mình là đứa con bất hiếu, có lỗi với cha mẹ khi nghĩ đến chuyện ra riêng, tự lập và vì lý do đó, niềm vui và hạnh phúc của con sẽ không trọn vẹn.

Cũng có người vì hoàn cảnh, sau khi lập gia đình vẫn sống chung với cha mẹ nhưng rất là thoải mái, vì dù sống chung dưới một mái nhà, cha mẹ không xen vào đời sống con nhưng thông cảm với con và tôn trọng gia đình của con. Đây là những bậc cha mẹ thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con. Không thương con bằng tình yêu ích kỷ, không kết hợp cuộc đời mình với cuộc đời con nhưng sẵn sàng cho con lìa gia đình để tự lập, sống với gia đình mới, vui hưởng hạnh phúc Chúa ban. Những bậc phụ huynh này không đau buồn khi con từ giã gia đình nhưng trái lại, hãnh diện và sung sướng thấy mình đã đào tạo nên một người hữu ích cho Chúa và cho xã hội.

 

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành