Mẹ Chồng Nàng Dâu - Bài 3

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Hôm nay chúng tôi xin trở lại đề tài quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chúng tôi đề cập đến vấn đề này không phải để bài bác, phê phán hay lên án thế hệ nào, nhưng để chúng ta nhìn thấy những tình cảm và tâm lý phức tạp đằng sau cách mỗi người ứng xử với nhau, nhờ đó chúng ta có thể hiểu nhau, thông cảm nhau và đi đến chỗ yêu thương nhau hơn thay vì gieo buồn phiền, đau khổ cho nhau. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều gia đình, không phân biệt sắc tộc, tiếng nói. Nhiều người ước mong mối quan hệ giữa mình với mẹ chồng hoặc với con dâu được hài hòa, tốt đẹp mà không biết làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Để hiểu tại sao các bà mẹ thường khó chấp nhận người vợ của con mình, hoặc khó tách rời khỏi con khi con đã có gia đình riêng, chúng ta hãy nhìn vào mối quan hệ đặc biệt giữa mẹ và con trai.

Có một bà mẹ kia thương con và chăm sóc cho con tất cả mọi sự, từ quần áo, thức ăn đến chuyện học hành, đi đứng, chơi đùa với bạn bè. Là mẹ thì phải lo cho con, đó là điều tự nhiên, nhưng bà mẹ này không chỉ lo mọi điều khi con còn nhỏ mà khi con đã lớn bà vẫn tiếp tục ở bên cạnh, chú ý giúp đỡ mọi việc. Khi con còn nhỏ, bà làm bài giùm con, dọn thức ăn sẵn trên bàn cho con, chọn áo quần cho con mặc. Bà sẵn sàng can thiệp, bênh vực khi con gặp khó khăn, dù khó khăn đó do chính con gây ra. Bà cố gắng thay đổi hoàn cảnh khi con có điều không vừa ý. Lúc nào bà mẹ này cũng nghĩ rằng con bà bé nhỏ, cần có bà bên cạnh săn sóc, giúp đỡ. Khi đứa con trai hai mươi tuổi, bà không dám cho đi du ngoạn hay đi trại, sợ con bị đau. Khi con tham dự các sinh hoạt dành riêng cho người trẻ bà cũng đi với con, để lỡ có chuyện gì bà có thể giúp ngay. Đến năm ba mươi tuổi, đi đâu đứa con cũng vẫn đi với mẹ, ngồi bên cạnh mẹ, có việc gì là gọi mẹ. Bà mẹ hãnh diện sung sướng vì dù con đã lớn vẫn gần bà và vẫn cần đến bà.

Đây là hình ảnh của một quan hệ không đúng giữa mẹ và con trai. Bà mẹ này đã bảo bọc con quá đáng. Bà không muốn buông sợi dây ràng buộc bà và con, để con lớn lên, tự lập. Khi người mẹ chăm sóc con quá nhiều và quá gần con như thế, là nói với con rằng, "Con ơi, đừng lớn, đừng tự lập nhưng hãy cứ ở bên mẹ, mẹ sẽ lo tất cả cho con." Dĩ nhiên là người mẹ không nói như thế bằng lời nhưng nói một cách gián tiếp, qua sự chăm sóc bảo bọc con; nhưng lời nói gián tiếp đó có ảnh hưởng rất mạnh, vì kết quả là, đứa con trai dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn cần mẹ, đi theo mẹ; không trưởng thành và không thể tự lập.

Read more: Mẹ Chồng Nàng Dâu - Bài 3

 

Mùa Xuân Bất Tận

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng thời tiết thay đổi thật thất thường trong những năm gần đây. Đối với những người sống tại Miền Nam California, đây phải là mùa lạnh, có nhiều mưa. Trái lại, trong những ngày cuối năm âm lịch nầy, khí hậu lại khô và nóng. Chúng ta sống như trong những ngày Mùa Hè. Vì vậy không khí Tết năm nay cũng có vẻ ít rộn rã hơn mọi năm. Tết đối với người Việt chúng ta là một ngày vô cùng đặc biệt. Vì không có nhiều ngày lễ hội trong năm cho nên tất cả đều dồn vào ba ngày Tết. Có những người Mỹ đã từng ăn Tết ở Việt Nam nói rằng Tết ở Việt Nam cũng giống như ba ngày lễ Độc Lập, lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh dồn chung lại! Và thêm vào đó cũng là sinh nhật của tất cả mọi người nữa vì ai trong chúng ta cũng lên một tuổi vào dịp Tết. Tết là dịp cho chúng ta mừng Xuân, mừng tuổi, mừng Năm Mới. Tết vì vậy là nói đến một cái gì mới, thay đổi và tươi vui như Mùa Xuân. Người ta cũng thường ví sánh đời sống con người với những mùa trong cuộc đời. Tuổi trẻ là tuổi xuân và tuổi về chiều, là mùa thu, mùa đông của đời sống. Quý vị đang ở vào tuổi của mùa nào tôi không rõ, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ước ao luôn có được tuổi xuân trong đời sống. Tuổi xuân trong sức khỏe, trong tình cảm dạt dào cũng như tuổi xuân trong việc làm, trong công danh sự nghiệp.

Tuy nhiên trong thực tế thì có lẽ cũng giống như Xuân-Diệu đã viết:

Xuân chưa tới nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…

Mùa Xuân đến rồi cũng sẽ đi trong cuộc đời, như vậy thì làm thế nào để có mùa Xuân mãi? Mùa Xuân, thật sự là mùa Xuân trong tâm hồn, một lần nữa cũng như chính Xuân-Diệu đã viết trong bài thơ Xuân Không Mùa:

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh năm bảy sắc yêu yêu.
Thế là xuân, tôi không hỏi chi nhiều,
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…

Read more: Mùa Xuân Bất Tận

 

Mẹ Chồng Nàng Dâu - Bài 2

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Thanh và Nga lập gia đình đã hơn ba năm. Hai người yêu nhau và gia đình thật hạnh phúc. Tuy nhiên có một điều khiến hai vợ chồng rất buồn, đó là mẹ Thanh không chấp nhận người con dâu của mình. Dù Nga cố gắng vui vẻ, ngọt ngào với mẹ chồng, giúp bà tất cả những gì nàng có thể làm được; nhưng đối với bà, nàng chỉ là người ở ngoài gia đình bà. Một ngày nọ, nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ chồng, tất cả anh chị em đều về đông đủ, buổi họp mặt thật vui vẻ. Nhân dịp này Thanh mời một người thợ đến để chụp vài bức hình cho đại gia đình. Khi mọi người đứng vào chỗ để chụp hình, bà mẹ chồng bảo Nga bước ra, không được có mặt trong hình. Bà nói nàng không có quan hệ máu mủ, nên không phải là một phần tử trong gia đình! Nghe vậy, hai vợ chồng Thanh sững sờ, những anh chị em khác cũng bất bình nhưng vì bà có uy quyền rất lớn nên không ai dám lên tiếng bênh vực người con dâu. Một lần khác, cả gia đình đi nghe nhạc, khi ngồi vào ghế mẹ Thanh thấy mình ngồi gần con dâu, bà liền đứng lên, đổi chỗ khác và tuyên bố: "Tôi chỉ muốn ngồi gần con trai của tôi!"

Câu chuyện trên chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp những bà mẹ chồng không chấp nhận nàng dâu. Nếu quý vị có đọc những tác phẩm như Đoạn TuyệtCô Giáo Minh, hoặc những tiểu thuyết gia đình khác thì cũng đã thấy nan đề này. Tại sao giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn luôn có vấn đề trong cách ứng xử với nhau? Chúng ta cần biết nguyên nhân hầu có thể bỏ đi cái điều không mấy tốt đẹp này. Dĩ nhiên là có những bà mẹ chồng rất tốt với con dâu, thương con dâu như con gái. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận rằng nan đề giữa mẹ chồng nàng dâu là một vấn đề phổ quát, phức tạp và tế nhị. Một trong những nguyên nhân khiến một số bà mẹ chồng thấy khó thương con dâu là vì các bà thương con trai một cách ích kỷ, xem con trai như là sở hữu của mình, thuộc về riêng mình. Các bà không chấp nhận sự kiện có một người đàn bà khác xen vào giữa mình với con, chiếm mất tình cảm con dành cho mình. Không những thế, những bà mẹ quá quý con trai thường thấy rằng không có người con gái nào xứng đáng với con mình. Con chọn người nào hay thương người nào các bà cũng không chấp nhận. Nhiều bà vì muốn có cháu bồng nên phải cho con trai lấy vợ nhưng vẫn không chấp nhận con dâu, không kể con dâu là một thành viên của gia đình.

Read more: Mẹ Chồng Nàng Dâu - Bài 2

 

Suy Tư Đầu Năm

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu của năm mới 2014. Và trong những ngày đầu của Năm Mới nầy, có một lời dạy trong Thánh Kinh đáng cho chúng ta suy gẫm và thực hành cho Năm Mới. Tôi muốn nói đến Thánh Vịnh thứ 90 trong Thánh Kinh. Thánh Vịnh thứ 90 là lời cầu nguyện của lãnh tụ Môi-se. Môi-se là người giải phóng con dân Chúa ra khỏi ách nô lệ tại Ai-cập và dẫn họ vào Đất Hứa. Cuộc đời của Môi-se là cuộc đời đầy thăng trầm. Lúc mới sinh vì lệnh của Pha-ra-ôn lẽ ra ông đã phải bị giết chết nhưng với đức tin, cha mẹ ông đã đem ông đi giấu để rồi sau đó ông được công chúa của Pha-ra-ôn cứu sống và đem về nuôi trong cung điện. Lúc khôn lớn vì không chịu được cảnh đồng hương bị áp bức, Môi-se đã sát hại một người Ai-cập và bỏ trốn. Ông lưu lạc nơi đất khách quê người suốt 40 năm, đi chăn cừu cho nhạc phụ. Sau đó Môi-se được Đức Chúa Trời kêu gọi trở về đối đầu với Pha-ra-ôn để giải phóng họ khỏi ách nô lệ và dẫn họ vào Đất Hứa. Những năm lãnh đạo con dân Chúa trong sa mạc cũng là những năm gian khổ vì sự bướng bỉnh, phản loạn của họ. Sau cùng Môi-se đã qua đời trong đồng vắng, không được đặt chân lên Đất Hứa. Thật là một cuộc đời đầy gian khổ. Ở cuối cuộc đời đó, Môi-se đã dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện sau đây, thật đáng cho chúng ta suy nghĩ và áp dụng cho Năm Mới nầy.

Lời đầu tiên Môi-se cầu nguyện là:

Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia, Chúa là nơi ở của chúng con (Thánh Vịnh 90:1)

Môi-se đã kinh nghiệm chỗ ở từ hoàng cung Ai-cập đến sa mạc hoang vu nhưng dù là ở đâu, Môi-se nói: Chúa mới là nơi ở của chúng con. Chúa là nơi ở của chúng con nghĩa là Chúa là nơi cho con nương thân, Chúa là nơi cho con trú ngụ. Chúng ta đang sống trên trần gian nầy với những nơi cư ngụ khác nhau nhưng Thiên Chúa mới thật sự là nơi cho chúng ta nương thân. Và chẳng những là nơi cho chúng ta nương thân, Thiên Chúa cũng là nơi cho chúng ta cư ngụ. Nói như vậy có nghĩa là khi sống trên đời nầy, Thiên Chúa là nơi cho chúng ta nương cậy. Ngài là Đấng che chở, bảo vệ chúng ta khỏi những phong ba bão táp của đời sống. Và khi chúng ta lìa đời, nơi chúng ta về là nhà Cha của chúng ta trên trời. Chúa Giê-xu phán:

Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó (Phúc Âm Giăng 14:2-3)

Sống trọn một đời trên trần gian, trải qua bao nhiêu gian khổ và đến cuối cuộc đời, Môi-se kết luận:

Read more: Suy Tư Đầu Năm

   

Page 47 of 50