Mẹ Chồng Nàng Dâu - Bài 1

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Hôm nay chúng tôi xin trình bày một vấn đề có ảnh hưởng sâu đậm đối với hạnh phúc trong gia đình chúng ta. Đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Không phải chỉ riêng trong văn hóa Á đông mới có vấn đề mẹ chồng nàng dâu mà hầu như văn hóa nào, dân tộc nào và trong thời buổi nào, thế hệ nào, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng là một đề tài được nói đến rất nhiều trong sách vở và là vấn đề đem lại đau khổ và nước mắt cho nhiều gia đình.

Nếu để ý, chúng ta thấy rằng trong các mối quan hệ giữa người với người, ngoại trừ quan hệ vợ chồng, quan hệ mẹ chồng với nàng dâu là điều được sách vở nói đến rất nhiều và thường được mô tả như là một quan hệ không mấy tốt đẹp, đến nỗi khi nghe đến chữ mẹ chồng nàng dâu là chúng ta có thể nghĩ ngay đến bao nhiêu nan đề chung quanh hai nhân vật đó. Vì sao vậy? Vì mẹ chồng và nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không quan hệ máu mủ, không ràng buộc bà con, nhưng hai người có một vai trò, một vị trí đặc biệt trong gia đình. Cả hai đều có mối quan hệ đậm đà mật thiết với cùng một người đàn ông: một bên là quan hệ mẹ con, một bên là quan hệ vợ chồng, và đó là lý do khiến mối quan hệ giữa hai người đàn bà đó thường dễ căng thẳng và có nhiều xung đột.

Một bà mẹ chồng kia tâm sự với bạn: "Tôi có hai cô con dâu, tôi và hai cô rất là thương yêu, gần gũi, chẳng khác gì mẹ với con gái. Tôi không hiểu tại sao người ta hay có thành kiến về quan hệ mẹ chồng nàng dâu và cứ hay viết truyện cười hay tranh hí họa chế giễu mẹ chồng với nàng dâu." Người bạn của bà mẹ này là một người chuyên về tâm lý nên nói: "Gia đình chị như thế là may mắn và đặc biệt lắm, vì thường thường rất nhiều người có nan đề với cha mẹ chồng và cha mẹ vợ, nhất là nan đề giữa mẹ chồng và con dâu. Thường thường là vì các bà mẹ thấy khó chấp nhận người đàn bà mà con trai mình đã chọn làm vợ. Người nào con chọn hầu như cũng không đúng với tiêu chuẩn của bà và không xứng với con bà. Nhiều khi người con dâu đó do chính bà mẹ chọn nhưng sau một thời gian cũng có nhiều điều bà không chấp nhận."

Read more: Mẹ Chồng Nàng Dâu - Bài 1

 

Sống Trong Thế Kỷ 21

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Chúng ta đang sống tại Hoa Kỳ, đất nước được xây dựng trên niềm tin Cơ-đốc và trên nền tảng của Kinh Thánh. Từ ngày lập quốc, người dân tại đây tôn thờ Đức Chúa Trời, được Chúa ban phước dư dật về mọi mặt và trở nên nước văn minh giàu mạnh nhất trên thế giới, nhưng tiếc thay, tất cả những điều đó đã thay đổi. Những thế hệ nối tiếp không biết ơn Chúa, kiêu ngạo trước văn minh giàu mạnh của mình, dần dần không tin Chúa, loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống, tệ hơn nữa là có những nhóm người chống nghịch Chúa, quyết tâm phá bỏ tất cả những điều tốt đẹp mà cha ông họ đã xây dựng trên nền tảng của Đạo Chúa. Nếu sự chống nghịch Đức Chúa Trời của người dân tại đây là chọn lựa riêng của họ, không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng ta không cần quan tâm. Nhưng điều nguy hiểm và kinh khủng hơn cả là những người chống Chúa đang không chỉ tìm cách phá đổ đức tin của con dân Chúa nhưng còn quyết tâm phá đổ điều quý nhất mà Đức Chúa Trời ban cho con người trên đời tạm này, cũng là căn bản và nền tảng của xã hội, điều mà những người chống Chúa đang ra sức phá đổ là hôn nhân gia đình.

Hôn nhân và gia đình là định chế Đức Chúa Trời thiết lập cho con người từ buổi sáng thế, là nền tảng cho đời sống, là căn bản của xã hội loài người, nhưng ngày nay ma quỷ đang dùng những người chống nghịch Chúa để phá hủy nền tảng tốt đẹp đó. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ma quỷ đang hoành hành và hầu như đang thắng thế trong mục tiêu đen tối của nó. Từ đầu năm đến nay, không phải mỗi tuần nhưng hầu như mỗi ngày có một dự luật được thông qua, một tin tức cho thấy nền tảng hôn nhân và gia đình đang bị đục khoét từng chút, từng chút một. Những người vô đạo đức này sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi họ tiêu diệt hoàn toàn hôn nhân và gia đình trong xã hội. Trong khi đó, những người tôn thờ Chúa, con dân Chúa hầu như không nhìn thấy hiểm họa đang lan tràn, đang lấn vào chính gia đình chúng ta và con cháu chúng ta. Khi đọc báo, nghe tin tức, xem ti-vi, nhìn cách ăn mặc, cách sống của người chung quanh chúng ta thấy nền tảng đạo đức suy đồi, tội lỗi gia tăng một cách khủng khiếp.

Read more: Sống Trong Thế Kỷ 21

 

Hành Trình Đời Sống

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Bạn có đi trên một con đường mà Bạn chưa bao giờ đi không? Chắc chắn là có! Những người vượt biên chẳng hạn là những người đi trên những con đường mà mình chưa bao giờ đi. Ði trên con đường chưa bao giờ đi là cả một sự mạo hiểm vì đi mà không biết có gì ở dọc đường hay những bước trước mặt. Nếu cuộc đời là một chuyến đi, thì đây chính là chuyến đi mà chúng ta chưa đi bao giờ vì không biết có gì trước mặt hay có gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta có thể toan tính hay dự đoán nhưng những gì chắc chắn trước mặt, chúng ta không biết được. Khoảng tháng 10 năm rồi, tôi cũng đi trên một con đường mà mình chưa bao giờ đi như vậy. Ðó là một chuyến đi thích thú nhưng cũng có nhiều hồi hộp vì không biết sẽ có gì trước mặt. Tuy nhiên trong chuyến đi nầy có bốn điều giúp tôi vui vẻ tiến bước mà không phải lo sợ điều gì. Bốn điều đó là, thứ nhất, tôi biết điểm tới của mình, tôi biết tôi đi đâu. Thứ hai, tôi có một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng. Thứ ba, tôi có một người bạn đồng hành và thứ tư, tôi giữ chỗ, ở một khách sạn nơi tôi sẽ tới. Bốn điều đó giúp tôi đi trên đường mình chưa đi bao giờ nhưng lúc nào cũng an tâm, thoải mái. Và tôi thấy có những điểm tương đồng giữa chuyến đi đó và hành trình đời sống của mỗi chúng ta.

Trước hết, chúng ta đi và phải biết mình đi đâu. Chúng ta cần xác định mục đích của đời sống. Ðường đời là con đường ta chưa đi bao giờ nhưng ta phải có một điểm tới. Tôi có nói đến điều nầy trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, đó là chọn một mục đích sống ở đời là điều rất quan trọng vì nó sẽ quyết định mọi suy nghĩ và sinh hoạt của đời sống. Bạn đã có mục đích cho đời sống của mình chưa? Bạn sống trên đời nầy để làm gì? Ðây là câu hỏi quan trọng nhất trong đời.

Read more: Hành Trình Đời Sống

 

Món Quà Đến Trễ

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Chưa bao giờ mùa đông lạnh như năm nay! Bà Stella ngồi nhìn ra cửa sổ, bên ngoài gió thổi mạnh, từng cụm bông tuyết bay khắp nơi. Bà cụ không dám đến gần cửa sổ, như sợ rằng nếu đứng gần cửa, những bông tuyết lạnh buốt kia sẽ đụng đến bà và lôi bà vào cơn bão tuyết bên ngoài. Dãy nhà bên kia đường bị lớp tuyết dày che mờ, không nhìn thấy rõ nữa. Bà cụ ngồi bất động quay về hướng cửa sổ, theo dõi cơn bão tuyết bên ngoài. Một lát sau, bà cụ ra khỏi chiếc ghế lớn, đứng yên vài giây để lấy lại thăng bằng, bà đứng thẳng cho lưng bớt đau rồi từ từ hướng về phía nhà bếp. Đến bên cửa nhà bếp bà Stella dừng lại, bà cụ không nhớ mình định đi vào bếp để làm gì. Bà đứng yên, định trí, nhìn vào cái đồng hồ nhỏ trên bếp: 3 giờ 15. Đã hơn ba giờ chiều, cái đồng hồ nhắc rằng bà cụ đi vào bếp để lấy thức ăn trong ngăn đá, chuẩn bị cho bữa ăn tối. Lại một bữa ăn trong cô đơn lạnh lẽo, bữa ăn mà bà cụ không tha thiết gì để chuẩn bị, cũng chẳng muốn ăn.

Bỗng bà cụ nắm cánh cửa tủ lạnh và gục đầu tựa vào, cái cảm giác lạnh và cứng của cánh cửa khiến bà thấy thương hại cho chính mình. Lòng bà cụ chùng xuống, như bị nhận chìm trong nỗi đau khủng khiếp trong lòng. Mùa hè vừa qua, bà cụ mất người chồng thân yêu, một mất mát quá lớn, dường như không thể nào chịu đựng nổi. Làm sao bà có thể chịu đựng niềm đau và sự trống vắng mỗi ngày trong đời sống như thế này. Nghĩ đến đây lòng bà cụ quặn thắt, nước mắt tuôn tràn. Sau một vài phút, bà Stella đứng thẳng lên, lắc đầu cố gắng xua đi nỗi đau trong lòng. Bà cố nghĩ lại những điều bà đang có để không than vãn: Bà còn khỏe mạnh, bà có căn nhà nhỏ này để ở, bà cũng có tiền đủ để sống qua ngày. Ngoài ra bà còn có cả đống sách để đọc khi rỗi rảnh, có ti-vi để xem và bà cũng có một mớ len để đan cho khuây khỏa. Trong mùa xuân và mùa hè bà cũng có thể ra làm vườn hay đi bộ ra ngoài công viên nhỏ ở gần nhà, mùa đông thì có những con chim nhỏ đến hót bên ngoài cửa sổ cho bà vui, ngoại trừ hôm nay vì tuyết rơi nhiều quá. Nghĩ đến đó bà Stella nhớ đến chồng, bà nói một mình: “Mình ơi, em nhớ mình quá! Khi anh còn sống, em chẳng bao giờ sợ mùa đông giá lạnh.” Tiếng nói của bà cụ vang vọng trong căn nhà trống. Bà cụ bước đến bên cái radio trên bàn và mở lên. Tiếng nhạc Giáng Sinh vui tươi lan tràn trong căn phòng, nhưng tiếng nhạc chỉ khiến nỗi cô đơn của bà cụ càng sâu đậm hơn.

Read more: Món Quà Đến Trễ

   

Page 48 of 50