Suy Gẫm Lời Chúa – Wednesday, May 10, 2023 – Hiếu Kính Cha Mẹ

Suy Gẫm Lời Chúa
Wednesday, May 10, 2023
Hiếu Kính Cha Mẹ

“Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.”
1 Ti-mô-thê 5:8

Nước Hoa Kỳ có hai ngày lễ đặc biệt được dành ra hằng năm để con cháu tỏ lòng hiếu thảo với Cha Mẹ mình. Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 ngày vinh danh Mẹ và Chúa Nhật thứ ba của tháng 6 ngày vinh danh Cha. Hai lễ này bắt đầu từ các Hội Thánh Tin Lành tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20 và đặt nền tảng trên Điều Răn thứ 5 của Chúa “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Nhiều chỗ trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước khuyên con cái phải hiếu kính cha mẹ. Chúa Giê-xu cũng đã cho chúng ta gương hiếu thảo của Chúa khi “Ngài về thành Na-xa-rét và chìu lụy cha mẹ.” (Lu-ca 2:51). Trong khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá Ngài cũng đã giao mẹ mình là Bà Ma-ri cho sứ đồ Giăng chăm sóc (Giăng 19:26-27). Sự hiếu kính và chăm sóc dành cho cha mẹ khi còn sống là hành động của người tin Chúa. Thánh Kinh 1 Ti-mô-thê 5:8 chép “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.” Câu 4 của phân đoạn Kinh Thánh này cho biết “người nhà” là cha mẹ mình. “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (1 Ti-mô-thê 5:4).

Bạn có bày tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ mình qua những hành động yêu thương và chăm sóc thực tế không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Lời Chúa truyền dạy phải hiếu kính cha mẹ. Xin Chúa giúp con luôn bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ qua sự yêu thương và chăm sóc vì điều đó đẹp lòng Chúa. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 23:21-25

 212 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Tuesday, May 9, 2023 – Đức Tin Của Mẹ

Suy Gẫm Lời Chúa
Tuesday, May 9, 2023
Đức Tin Của Mẹ

“Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.”
2 Ti-mô-thê 1:5

Ti-mô-thê là một Mục Sư trẻ đã thừa hưởng được di sản đức tin từ mẹ và bà ngoại. Sứ đồ Phao-lô viết: “đức tin chân thành của con… trước đã sống trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con” (2 Ti-mô-thê 1:5). Di sản đức tin này đã chuẩn bị tấm lòng của Ti-mô-thê để sau đó ông đã đặt đức tin vào chính Chúa Giê-xu. Ti-mô-thê cũng đã trở thành một người con thuộc linh của Sứ-đồ Phao-lô. Sứ-đồ Phao-lô đã yêu thương và hết lòng hướng dẫn Ti-mô-thê để trở thành một Mục Sư phục vụ Chúa. Phao-lô thúc giục Ti-mô-thê tiếp tục truyền thống đức tin, “nhen lại ân tứ của Đức Chúa Trời” qua Đức Thánh Linh, là Đấng “ban cho chúng ta tinh thần mạnh mẽ” (2 Ti-mô-thê 1:6-7). Nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, Ti-mô-thê có thể sống cho Phúc Âm mà không sợ hãi (2 Ti-mô-thê 1:8). Một di sản thuộc linh mạnh mẽ không đảm bảo rằng những người trẻ sẽ đến với niềm tin, nhưng gương mẫu và sự dẫn dắt của cha mẹ và những Cơ đốc nhân có thể được Chúa sử dụng để chuẩn bị những người trẻ bước vào con đường tin kính Chúa. Sau khi tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa, Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn những người trẻ trong sự phục vụ, sống cho Chúa, và ngay cả trong việc gây dựng đức tin của người khác.

Bạn có cầu nguyện và nuôi dưỡng đời sống đức tin của con, cháu bạn không? Bạn có cầu nguyện, làm gương và nâng đỡ những người trẻ trong Hội Thánh không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã đặt những người yêu mến Chúa bên cạnh để cầu nguyện và hướng dẫn con. Cầu xin Chúa cũng sử dụng con để cầu nguyện và hướng dẫn đời sống đức tin của những người khác. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 21-23:20

 183 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Monday, May 8, 2023 – Như Mẹ Yên Ủi Con

Suy Gẫm Lời Chúa
Monday, May 8, 2023
Như Mẹ Yên Ủi Con

“Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con.”
Ê-sai 66:13a

Tháng Năm và riêng tuần lễ này tại Hoa Kỳ chúng ta được nhắc nhở về công ơn của những người Mẹ yêu quý và bày tỏ lòng biết ơn đối với Mẹ mình. Người Mẹ luôn quan tâm đến con mình, an ủi, xoa dịu nỗi sợ hãi và đau đớn của con. Khi nói đến lòng yêu thương và chăm sóc cho dân Y-sơ-ra-ên, Chúa phán: “Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con.” (Ê-sai 66:13a). Câu này nói lên lòng quan tâm và sự an ủi của Chúa dành cho dân sự Ngài. Chúa so sánh sự an ủi của Ngài với sự an ủi của người mẹ. Tình yêu của mẹ dành cho con rất đặc biệt và tự nhiên từ khi con còn ở trong lòng mẹ. Một tình yêu gắn bó và hy sinh. Người mẹ biết chính xác nhu cầu của từng đứa con để chăm sóc trong sự dịu dàng và an ủi con khi bị tổn thương. Sự an ủi của mẹ thật là quý báu và cần thiết cho đời sống của con. Khi Chúa so sánh sự an ủi của Ngài như mẹ an ủi con, Chúa muốn chúng ta biết mối quan tâm đặc biệt của Chúa đối với con cái của Ngài. Khi đối mặt với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng Chúa ở cùng chúng ta và mong muốn an ủi chúng ta. Chúng ta có thể hướng về Chúa qua lời cầu nguyện và tin tưởng rằng Chúa luôn thành tín với những lời hứa của Ngài.

Bạn có mối tương giao mật thiết với Chúa để nhận sự an ủi từ Ngài không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì sự chăm sóc và an ủi của Chúa dành cho con. Xin Chúa cho con luôn ở trong Chúa để nhận được sự an ủi từ Chúa khi phải đối diện với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 18-20

 173 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Friday, May 5, 2023 – Đặt Hy Vọng Vào Chúa

Suy Gẫm Lời Chúa
Friday, May 5, 2023
Đặt Hy Vọng Vào Chúa

“Nhưng Chúa rất vui lòng về những người kính sợ Ngài, Những người đặt hy vọng vào tình thương của Ngài.”
Thi Thiên 147:11 (BD2011)

Thi-thiên 147 nhắc nhở con dân Chúa phải đặt hy vọng vào Chúa. Những câu đầu của Thi Thiên này khuyên con dân Chúa phải biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng và Ngài là Đấng cung cấp mọi nhu cầu cho con cái Ngài. Chúa không vui lòng khi chúng ta đặt hy vọng vào những quyền lực hay ngay cả sức riêng của chúng ta. Câu 10 cho biết “Ngài chẳng đẹp lòng sức của ngựa, Cũng không thích chân của loài người” vì đây là những điều con người thường đặt hy vọng vào thay vì đặt hy vọng vào Đấng ban cho chúng ta tất cả những điều chúng ta nhận được bởi tình thương của Ngài. “Nhưng Chúa rất vui lòng về những người kính sợ Ngài, Những người đặt hy vọng vào tình thương của Ngài.” (Thi Thiên 147:11). Kính sợ Chúa là thái độ sống tùy thuộc vào tình thương của Chúa. Khi chúng ta đặt hy vọng và lòng tin cậy vào tình thương của Chúa thì không bao giờ thất vọng vì Ngài hứa: “Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ Ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của Ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng thương xót ngươi, phán vậy.” (Ê-sai 54:10).

Bạn có sống với lòng kính sợ Chúa và đặt hy vọng hoàn toàn vào tình thương không lay chuyển của Chúa không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho con vì nhiều khi con nương cậy vào những phương tiện hoặc sức riêng của con. Xin cho con luôn kính sợ Chúa qua nếp sống đặt hy vọng vào tình thương của Chúa. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm:
Thứ Sáu May 5: Xin đọc 2 Các-vua 11-13
Thứ Bảy May 6: Xin đọc 2 Các-vua 14-15
Chúa Nhật May 7: Xin đọc 2 Các-vua 16-17

 180 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Thursday, May 4, 2023 – Chúa Sẽ Ở Cùng

Suy Gẫm Lời Chúa
Thursday, May 4, 2023
Chúa Sẽ Ở Cùng

“Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.”
Ê-sai 43:2

Đối với dân sự Y-sơ-ra-ên việc đi qua các dòng nước có ý nghĩa đặc biệt. Khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, họ đối diện với Biển Đỏ trước mặt và đoàn quân của vua Pha-ra-ôn đang đuổi theo phía sau lưng. Trong giây phút “tiến thoái lưỡng nan” nguy hiểm, Đức Chúa Trời đã phân rẽ dòng nước của Biển Đỏ một cách kỳ diệu để dân Y-sơ-ra-ên có thể vượt qua (Xuất Ê-díp-tô Ký 14). Sau đó, họ cũng băng qua sông Giô-đanh trên vùng đất khô ráo để vào đất hứa (Giô-suê 3-4). Vì vậy, ý tưởng đi qua các vùng nước đã trở thành một cách nói ngắn gọn rằng Đức Chúa Trời bảo vệ và giúp đỡ dân sự Ngài qua mọi nghịch cảnh. Lý do Chúa ở cùng và bảo vệ dân sự Y-sơ-ra-ên vì dân Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Chúa.  Tiên-tri Ê-sai nhắc lại cho dân Y-sơ-ra-ên đang bị lưu đày tại Ba-by-lôn lời của Đức Chúa Trời phán về dân sự Ngài “tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ.” (Ê-sai 43:7). “Bây giờ, hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta.” (Ê-sai 43:1). Chúng ta được cứu chuộc bởi huyết báu của Chúa Giê-xu, chúng ta thuộc về Chúa, là tuyển dân của Chúa. Khi chúng ta đối diện với kẻ thù thuộc linh, những bế tắc của cuộc đời hay đứng trước dòng nước khó khăn đang cuộn quanh chúng ta, Chúa hứa sẽ ở cùng và bảo vệ chúng ta!

Bạn có tin cậy vào lời hứa ở cùng và bảo vệ của Chúa cho những người thuộc về Chúa không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, cảm tạ Chúa về lời hứa và sự thành tín của Chúa. Xin Chúa cho con tin cậy vào sự bảo vệ của Chúa khi phải đi qua những dòng nước, cơn bão tố của cuộc sống. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 9-10

 173 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Wednesday, May 3, 2023 – Chúa Trả Lời Cầu Nguyện

Suy Gẫm Lời Chúa
Wednesday, May 3, 2023
Chúa Trả Lời Cầu Nguyện

“Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu.”
Ê-sai 59:1

Là Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể an tâm vì biết chắc rằng Chúa luôn ở gần và sẵn sàng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Lời Chúa trong Kinh Thánh hứa: “Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu.” (Ê-sai 59:1). Câu Kinhh Thánh này là một nguồn an ủi và hy vọng lớn cho chúng ta, vì nó nhắc nhở chúng ta rằng bất kể chúng ta đang trải qua hoàn cảnh nào, tay Chúa không quá ngắn để cứu, tai Ngài cũng không quá điếc để nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Lời Chúa khuyến khích chúng ta tin cậy nơi quyền năng của Đức Chúa Trời và hướng về Chúa qua lời cầu nguyện bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Tuy nhiên, lý do lời cầu nguyện của chúng ta không được Chúa nhậm được ghi rõ trong câu tiếp theo: “Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:2). Tội lỗi trong lòng của chúng ta là một rào cản giữa chúng ta và Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúa hứa sẽ tha tội cho chúng ta khi chúng ta thành tâm ăn năn và xưng tội mình trước mặt Chúa. “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1 Giăng 1:9).

Bạn có ăn năn từ bỏ tội lỗi và xưng tội cùng Chúa để mối tương giao của bạn với Chúa luôn được tốt đẹp không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Ngài luôn ở gần con và muốn có sự tương giao mật thiết với con. Cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi con để lời cầu nguyện của con được Chúa nghe và trả lời. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 6-8

 180 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Tuesday, May 2, 2023 – Lòng Trong Sạch

Suy Gẫm Lời Chúa
Tuesday, May 2, 2023
Lòng Trong Sạch

“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.”
Thi Thiên 51:10

Vua Đa-vít đã phạm tội tà dâm và giết người (2 Sa-mu-ên 11) và sau đó Chúa sai tiên tri Na-than đến vạch trần tội lỗi của vua Đa-vít (2 Sa-mu-ên 12). Vua Đa-vít viết Thi Thiên 51 hết lòng ăn năn tội lỗi của mình và kêu cầu sự thương xót, tha thứ của Chúa. “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.” (Thi Thiên 51:1-2). Vua Đa-vít đã phạm tội cùng người nhưng ông ý thức rằng tất cả tội đều phạm đến Đức Chúa Trời và tấm lòng không thánh sạch trước mặt Chúa. “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, Và làm điều ác trước mặt Chúa.” (Thi Thiên 51:4). ”Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.” (Thi Thiên 51:6). Tội lỗi đã khiến tâm linh yếu đuối và tấm lòng của vua Đa-vít bị hoen ố. Vì thế, vua Đa-vít xin Chúa “dựng nên” hay tái tạo tấm lòng ông cho trong sạch, không ô uế trước mặt Chúa, và “làm mới lại” hay khôi phục lại tâm linh của ông cho được ngay thẳng. Đức Chúa Trời đã thanh tẩy tấm lòng Vua Đa-vít và làm cho thần linh ông được chính trực. Vua Đa-vít đã nhận được sự tha thứ diệu kỳ từ Chúa!

Khi phạm tội cùng Chúa, bạn có theo gương vua Đa-vít hết lòng ăn năn, xưng tội mình ra và cầu xin Chúa tẩy sạch chúng ta từ bên trong tấm lòng không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã tha thứ tất cả tội lỗi của con. Cầu xin Chúa thanh tẩy tấm lòng và tư tưởng ô uế của con. Xin Chúa tạo nên trong con một tấm lòng và một tâm linh thánh khiết để có nếp sống trong sạch đẹp lòng Chúa. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 4-5

 180 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Monday, May 1, 2023 – Ân Điển Của Chúa

Suy Gẫm Lời Chúa
Monday, May 1, 2023
Ân Điển Của Chúa

“Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy.”
1 Cô-rinh-tô 15:10a

Sứ-đồ Phao-lô trong thư gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô đã mô tả kinh nghiệm của chính mình về ân điển của Đức Chúa Trời ban cho ông. Sứ-đồ Phao-lô viết: “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy.” (1 Cô-rinh-tô 15:10a). Ân điển là một chủ đề được liên tục nhắc đến trong Kinh Thánh. Ân điển hoặc ân sủng được dịch trong Kinh Thánh Việt Nam là “ân điển” hay “ơn’. Từ ngữ được dịch là “ân điển” trong Tân Ước xuất phát từ một từ trong tiếng Hy Lạp “charis”, nghĩa là “đặc ân, ân huệ, phước hạnh, hay lòng tốt.” Ân điển là khi Chúa chọn ban phước cho chúng ta thay vì đoán phạt chúng ta. Ân điển là ân huệ của Đức Chúa Trời ban cho người không xứng đáng. Sứ-đồ Phao-lô nhận ra rằng ông đã được thay đổi bởi ân điển của Đức Chúa Trời và đã được ban cho một bản chất và mục đích mới trong cuộc sống. Sự biến đổi này không phải là điều mà Phao-lô tự mình đạt được, nhưng đó là món quà từ Đức Chúa Trời. Sứ-đồ Phao-lô đã nhắc lại ân điển của Chúa cho tín hữu tại Hội Thánh Ê-phê-sô và các Cơ-đốc-nhân: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 2:8).

Bạn có biết tất cả mọi điều chúng ta có đều đến từ ân điển của Chúa không?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì tất cả mọi điều con có được như hôm nay là nhờ ân điển của Chúa. Xin Chúa cho con luôn cảm tạ, ngợi khen và thờ phượng Chúa. A-men.  

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 2 Các-vua 1-3

 180 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Friday, April 28, 2023 – Trông Đợi Chúa

Suy Gẫm Lời Chúa
Friday, April 28, 2023
Trông Đợi Chúa

“Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”
Ê-sai 40:31

Có nhiều khó khăn, sức ép trong cuộc sống làm những người mạnh mẽ nhất cũng phải mệt mỏi. Có những nỗi sợ hãi làm những trái tim gan lì nhất cũng phải khiếp kinh. Ê-sai 40:30 cho biết ngay cả “những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã.” Con người vấp ngã vì dựa vào sức riêng của mình. Sức người không đứng nổi trước những giông tố của cuộc đời. Chỉ có sức mạnh từ trên cao mới đủ để gìn giữ chúng ta. Tiên tri Ê-sai đặt câu hỏi và cho câu trả lời: “Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò. Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.” (Ê-sai 40:28-29). Chỉ có bàn tay quyền năng của Ngài mới có thể dẫn đưa chúng ta khỏi những giông tố của cuộc đời chứ không phải nhờ khả năng con người có hạn của chúng ta. Câu cuối của Ê-sai chương 40 cho chúng ta một niềm hy vọng lớn: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” (Ê-sai 40:31). Trong cuộc chiến thuộc linh Lời Chúa cũng khuyên chúng ta “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ.” (Ê-phê-sô 6:10-11).

Bạn có kinh nghiệm nhận được sức mới từ Chúa để cất cánh bay cao trong năng quyền của Chúa chưa?

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, cảm tạ Chúa là Đức Chúa Trời hằng sống, đầy quyền năng, khôn ngoan và không bao giờ mỏi mệt. Xin Chúa cho con luôn trông cậy hoàn toàn vào quyền năng vô biên của Chúa để con không tiếp tục sống trong sự mệt mỏi, kiệt quệ khi dựa vào sức riêng của mình. A-men.

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm:
Thứ Sáu April 28: Xin đọc 1 Các-vua 16-18
Thứ Bảy April 29: Xin đọc 1 Các-vua 19-20
Chúa Nhật April 30: Xin đọc 1 Các-vua 21-22

 209 total views

Suy Gẫm Lời Chúa – Thursday, April 27, 2023 – Chiên Của Chúa

Suy Gẫm Lời Chúa
Thursday, April 27, 2023
Chiên Của Chúa

“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”
Ê-sai 53:6

Chiên có những đặc tính như mắt kém không nhìn được xa, chân yếu so với thân mình to tròn nên chạy không nhanh và là động vật phải sống trong bầy với người chăn luôn đi phía trước hướng dẫn. Nếu không được chăm sóc và hướng dẫn chiên rất hoang mang và dễ đi lạc lối không biết đường về. Chúa Giê-xu so sánh chiên với Cơ-đốc-nhân để nói về mối quan hệ mật thiết của chiên với người chăn.  Chiên nếu không có sự chăm sóc của người chăn thì có khuynh hướng đi theo con đường riêng của mình và sa vào những điều nguy hiểm. Như những con chiên đi lạc, chúng ta tất cả đều là tội nhân đi theo con đường riêng và sống trong tội lỗi. “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Ê-sai 53:6). Lời Chúa trong thư Rô-ma mô tả rõ hơn về tình trạng của con người, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Cảm tạ sự yêu thương của Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu Christ đến thế gian để gánh lấy hình phạt tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá. Ngài đã gánh lấy tội lỗi của tất cả chúng ta để chúng ta có thể được hòa thuận với Đức Chúa Trời và có được sự sống đời đời. Chúa Giê-xu phán: “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật. Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.” (Giăng 10:9-11).

Cầu Nguyện
Kính lạy Chúa, con cảm tạ Chúa Giê-xu đã chết vì tội lỗi của con trên thập tự giá. Xin Chúa cho con luôn bước đi trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh để không bị lạc lối và luôn sống đẹp lòng Ngài. A-men.  

*********
Chương Trình Đọc Kinh Thánh Trọn Năm: Xin đọc 1 Các-vua 14-15

 177 total views